Mới đây, các y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết đã lấy dị vật là chiếc kim băng có chiều dài khoảng 3cm tại miệng thực quản cho bé trai V.T.H (SN 2023, ở Phú Yên).
Chị K.M. mẹ bé H. tỏ ra bất ngờ khi bác sĩ phát hiện dị vật nguy hiểm nằm trong thực quản của con. Chị cho biết, trước khi nhập viện, bé H có sốt, uống thuốc tại nhà nhưng không khỏi. Mẹ bé đã đưa bé đến cơ sở y tế địa phương thăm khám nhưng không ghi nhận gì lạ. Chỉ khi tình trạng trở nặng, bé H được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 mới phát hiện sự cố.
Hình ảnh chiếc kim băng qua phim chụp X-quang. Ảnh: PLXH
Bác sĩ chuyên khoa 2 Quách Ngọc Minh - Phó Trưởng khoa Liên chuyên khoa cho biết, sau khi thăm khám phát hiện bé trai có dị vật tại vị trí miệng thực quản. Hình ảnh X-quang cho thấy chiếc kim băng đã bung ra. Mặc dù gặp khó khăn trong quá trình nội soi nhưng các y bác sĩ đã thành công lấy dị vật ra.
Qua đây, bác sĩ Quách Ngọc Minh khuyến cáo: do trẻ thường cho vật thể lạ vào miệng, đặc biệt là các đồ vật kích thước nhỏ. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần sát sao trong quá trình chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, bác sĩ nhấn mạnh người nhà không nên để trẻ đùa giỡn, quấy khóc trong lúc ăn để tránh trường hợp hóc dị vật, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Làm gì để phòng ngừa hóc dị vật ở trẻ?
Trẻ nhỏ rất hiếu động, tò mò khám phá và chưa nhận thức được những nguy hiểm rình rập, vì vậy người lớn luôn cần để trẻ trong tầm quan sát của mình. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp phòng ngừa cất đặt đồ đạc nguy cơ thành dị vật đường thở xa tầm tiếp cận của trẻ:
Đồ chơi
- Để bóng bay (đã thổi căng hoặc chưa thổi) ngoài tầm tay của trẻ.
- Để đồ chơi nhỏ (ví dụ như đồ chơi xếp hình Lego, giầy dép của của búp bê Barbie...) xa tầm tay. Nhắc anh chị của bé tuân thủ quy định.
- Không cho bé chơi với những thứ đồ chơi có thể tháo rời. Luyện cho trẻ thói quen không cho vào miệng ngậm mút.
Đồ đạc trong nhà
- Không để cúc áo và các loại pin trong tầm tay của trẻ.
- Khóa những ngăn tủ chứa vật dụng nhỏ mà trẻ có thể với tới.
Phòng ngừa sặc thức ăn
- Luôn cho trẻ ngồi một chỗ khi ăn.
- Không bao giờ ép trẻ ăn, uống khi đang khóc, chạy nhảy hoặc không nên nô đùa khi có thức ăn trong miệng, vì như vậy trẻ có thể bị nghẹn.
- Động viên trẻ ăn từ từ và nhai kỹ. Đảm bảo đúng chế độ ăn uống theo lứa tuổi của trẻ.
- Không cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi ăn thức ăn dễ hóc như lạc, thạch, nhãn, kẹo dẻo chip chip, hạt trân châu...