Mộc nhĩ, hay còn gọi là nấm mèo, nấm tai mèo, tên khoa học là Auricularia auricula. Mộc nhĩ thường mọc trên những thân cây gỗ mục, ẩm ướt, lại có hình dạng giống tai người nên được gọi là mộc nhĩ (tai của gỗ).
Theo ghi chép của sách Đông y, mộc nhĩ có vị ngọt, tính bình, dễ dàng đi vào các kinh tỳ vị, đại tràng, gan, thận. Tác dụng chính của mộc nhĩ là làm mát máu, làm ngưng chảy máu ngoài da. Hay những tác dụng khác có thể kể đến như nhuận tràng, lợi trường vị, bổ khí, bền cơ, hoạt huyết. Ngoài ra, mộc nhĩ còn hỗ trợ đắc lực cho việc điều trị các bệnh trường phong hạ huyết, lỵ ra máu, đái dắt…
Những tác dụng của mộc nhĩ đối với sức khỏe
Bổ sung lượng sắt tự nhiên
Trong mộc nhĩ có chứa nhiều sắt. Trong 100g mộc nhĩ có khoảng 293.1 Kcal, 0.2g chất béo lipid, 10.6g protein, 65g đường glucid, 5.8g tro, 185mg sắt, 375mg canxi, 201mg phốt pho và 0.03mg caroten. Vì thế, những người thiếu sắt thường dùng mộc nhĩ làm nguyên liệu cho các món ăn. Mộc nhĩ còn giúp ích khí, mạnh tinh thần, da dẻ hồng hào, không bị sần sùi, thô ráp.
Giảm đại tiện ra máu
Ăn mộc nhĩ thường xuyên còn giúp giảm dần các chứng đại tiện ra máu vì mộc nhĩ rất nhuận tràng, ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Trong mộc nhĩ chứa hàm lượng chất xơ tương đối nhiều có tác dụng nâng cao sức khỏe đường ruột. Mộc nhĩ vì thế thúc đẩy chuyển hóa các chất trong đường ruột, phòng ngừa táo bón và ngừa ung thư ruột kết.
Có tác dụng tích cực đối với bệnh tim mạch và mạch máu não
Trong mộc nhĩ rất giàu hoạt chất thực vật. Vì thế, ăn thường xuyên loại thực phẩm này sẽ có tác dụng tích cực trong việc giảm độ nhớt của máu. Ăn mộc nhĩ sẽ giúp ngăn chặn được bệnh tắc hoặc vỡ mạch máu ở người tăng huyết áp, hạn chế tai biến, nhồi máu cơ tim, giúp lưu thông máu, đưa máu lên não.
Mộc nhĩ còn có tác dụng giảm cholesterol trong máu, kiểm soát cân nặng và giúp da hồng hào, tươi sáng hơn.
Thanh lọc đường ruột
Chất keo nhầy trong mộc nhĩ kết dính các tạp chất trong hệ tiêu hóa và đẩy chúng ra ngoài cơ thể giúp ruột được sạch hơn, dạ dày khỏe hơn. Mộc nhĩ còn được xem là một loại collagen thực vật đặc biệt giúp cơ thể kịp thời thanh lọc và đào thải thức ăn.
Làm đẹp
Mộc nhĩ rất giàu protein và vitamin E. Ăn nhiều mộc nhĩ sẽ giúp da tươi sáng, mịn màng.
Hạ đường huyết
Hàm lượng chất xơ trong mộc nhĩ rất cao, chủ yếu là chất xơ hòa tan giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường của cơ thể con người.
Làm sạch phổi
Những món ăn có nguyên liệu mộc nhĩ luôn khuyến khích những người hút thuốc thưởng thức. Mộc nhĩ có vai trò quan trọng trong việc làm sạch phổi, ăn nhiều có tác dụng vệ sinh phổi, nhuận phổi.
Ngăn chặn tình trạng xơ vữa động mạch
Trong mộc nhĩ chứa nhiều thành phần như lecithin, cephalin, cephalin hay plasmalogen,… Đây đều là các dưỡng chất có tác dụng giảm hàm lượng cholesteron trong gan, ngăn ngừa sự tích tụ mỡ ở thành động mạch và sự hình thành huyết khối do xơ vữa động mạch.
Chống oxy hóa
Mộc nhĩ có khả năng chống oxy hóa rất cao bởi nồng độ phenol cân bằng trong nó. Với công dụng này, chị em nên tận dụng để nuôi dưỡng làn da khỏe đẹp từ sâu bên trong.
Ngăn ngừa hiện tượng đông máu
Chất Polysaccharide có trong mộc nhĩ có khả năng ức chế sự kết dính tiểu cầu và tăng thời gian máu không đông trong ống nghiệm và cơ thể sống.
Giảm lượng cholesteron trong máu
Bên cạnh công dụng ngăn ngừa đông máu, chất Polysaccharide cũng được chứng minh là có khả năng làm giảm mức độ cholesteron trong máu, mức độ triglyceride và LDL; tăng cường mức độ HDL trong máu, cũng như tỉ lệ HDL/TC và HDL/LDL.
Người cao tuổi nên bổ sung mộc nhĩ vào bữa cơm hằng ngày để giảm cholesterone trong máu, kiểm soát cân nặng, ngăn chặn bệnh tắc hoặc vỡ mạch máu, ức chế tai biến, nhồi máu cơ tim. Hơn nữa, mộc nhĩ còn giúp lưu thông máu lên não, giúp duy trì trí nhớ tốt.
Những người không nên ăn mộc nhĩ
Rất nhiều các món ăn có mộc nhĩ, trong đó có những đặc sản Việt như nem, giò xào, canh bóng, nhất là các món xào... nhằm tăng hương vị, độ giòn ngon hấp dẫn ẩm thực.
Mộc nhĩ còn mang lại những hiệu quả tuyệt vời cho sức khỏe, rất giàu dưỡng chất giúp cải thiện miễn dịch, tăng khả năng đề kháng cơ thể tránh nhiều bệnh tật. Mộc nhĩ rất giàu vitamin E, K, canxi, protein, collagen thực vật, sắt… và những dưỡng chất giúp thanh lọc phổi, hoạt huyết, thanh lọc cơ thể, sạch ruột, giảm cân, đẹp da... Nhưng không phải ai cũng có thể ăn được mộc nhĩ.
Trước tiên, những phụ nữ mang thai không nên ăn mộc nhĩ, bởi mộc nhĩ tuy có tác dụng bồi bổ tỳ nhưng lại có cả tác dụng hoạt huyết tiêu ứ - bất lợi cho quá trình sinh trưởng và ổn định của thai nhi.
Người tiêu hóa kém hạn chế ăn, và người đang đi ngoài phân lỏng, đầy bụng, nhiễm hàn... càng không nên ăn mộc nhĩ - bởi mộc nhĩ có tính hàn, bổ âm khiến tình trạng bệnh nặng thêm.
Trẻ nhỏ và người có cơ địa dị ứng thận trọng khi ăn mộc nhĩ. Lý do mộc nhĩ là một loại nấm (gọi là nấm mèo) có chứa thành phần nhạy cảm với ánh sáng - nhất là trong mộc nhĩ tươi. Vì vậy trẻ nhỏ và người hay bị dị ứng thận trọng khi ăn mộc nhĩ kẻo sẽ bị đau nhức, ngứa, viêm da khi tiếp xúc với ánh sáng sau khi ăn, nặng hơn có thể bị phù nề thanh quản, khó thở...
Người bị đông máu, hoặc mới bị chảy máu (sau khi nhổ răng, chảy máu mũi, phẫu thuật...) không nên ăn mộc nhĩ, vì sẽ bị kích thích tuần hoàn máu, ức chế tiểu cầu, có hại cho người mới bị chảy máu.
Người bị bệnh loãng máu, máu khó đông cũng không nên ăn mộc nhĩ - bởi mộc nhĩ có tác dụng ngừa hiện tượng đông máu - nhất là với người bị vừa bị bệnh xuất huyết não thì 3 tháng đầu tiên không ăn mộc nhĩ vì rất nguy hiểm.
Người gặp chứng bệnh tiêu hóa (như đầy hơi, tiêu chảy... và cả chứng cảm lạnh) không nên ăn mộc nhĩ - bởi tính hàn trong mộc nhĩ sẽ gây lạnh bụng và làm bệnh tình trở nặng thêm. Tương tự người có cơ địa thể hàn, cảm lạnh cũng không nên ăn mộc nhĩ.
Những thực phẩm kỵ với mộc nhĩ
Mộc nhĩ dùng phổ biến trong các món ăn, còn được dùng nhiều trong các món ăn bài thuốc - được coi như thảo dược dễ dùng, ăn ngon, nhưng mộc nhĩ kị với những nguyên liệu thực phẩm nào thì không phải ai cũng biết.
Mộc nhĩ kỵ thịt vịt
Thịt vịt không nên kết hợp chung với mộc nhĩ. Bởi mộc nhĩ vốn tính hàn. Thịt vịt cũng có bản chất là tính hàn. Cả hai thứ hàn kết hợp ăn vào sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa.
Mộc nhĩ kỵ ốc
Ốc tính hàn, mộc nhĩ cũng tính hàn. Kết hợp 2 món này rất dễ bị tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, các bệnh lý khác liên quan đến ruột.
Người bị trĩ không ăn mộc nhĩ với thịt gà rừng. Người bình thường ăn mộc nhĩ với thịt gà rừng thì không sao, nhưng đã có nghiên cứu cho rằng mộc nhĩ không tốt cho người bị bệnh trĩ - nhất là khi nấu với thịt gà rừng - vì sẽ gây chảy máu, bệnh sẽ trầm trọng hơn.
Mộc nhĩ kỵ củ cải trắng
Một số người có thói quen nấu canh củ cải trắng cho thêm mộc nhĩ điểm vào cho đẹp mắt và có hương vị thơm hơn - nhưng mộc nhĩ chứa nhiều hoạt chất sinh học, củ cải trắng giàu enzyme - đều kị nhau. Khi hai món này nấu chung sẽ xảy ra những phản ứng hóa học phức tạp, có thể gây bệnh viêm da.
Hai món này nhất định không nấu chung với nhau, muốn ăn thì hai món phải ăn cách nhau từ 3 giờ trở lên.
Mộc nhĩ không dùng với đồ lạnh
Mộc nhĩ tính hàn, bổ âm. Nếu ăn món có nhiều mộc nhĩ xong mà uống nước lạnh sẽ khiến người ăn bị mệt mỏi, đau bụng âm ỉ. Do đó sau khi ăn món ăn có nhiều mộc nhĩ thì không nên uống đồ lạnh nữa.
Sai lầm khi dùng mộc nhĩ
Ăn mộc nhĩ tươi như ăn chất độc
Mộc nhĩ tươi có chứa chất morpholine nhạy cảm ánh sáng.
Ăn mộc nhĩ tươi khiến cơ thể tiếp xúc với ánh sáng có thể dẫn đến hiện tượng ngứa, phù nề - nghiêm trọng có thể gây hoại tử da.
Vì vậy xưa nay đều dùng mộc nhĩ khô – là bởi quá trình phơi và sấy khô chất cảm quang tự nhiên mất đi, độc tính cũng biến mất, không thể gây nguy hiểm cho người ăn.
Ngâm mộc nhĩ bằng nước nóng
Ngâm mộc nhĩ bằng nước nóng tưởng nhanh, lại sát khuẩn và tiện lợi. Nhưng cách ngâm mộc nhĩ này khiến khi chế biến mộc nhĩ dễ bị nhũn, dính, không dễ bảo quản, cất giữ và chế biến món ăn không ngon, đẹp.
Nguy hại hơn là chất morpholine – một chất độc có trong nấm vì mộc nhĩ chính là một dạng nấm ký sinh trên các thân cây dù được phơi khô vẫn tồn sót – do ngâm bằng nước nóng nở nhanh trong thời gian ngắn đã không thể đào thải hết, gây độc hại cho cơ thể.
Khối lượng mộc nhĩ ngâm bằng nước nóng khiến 1kg chỉ nở được 2-2,5kg – ít hơn so với ngâm nước lạnh (1kg có thể nở 3,5-4,5kg).
Ăn mộc nhĩ ngâm lâu
Mộc nhĩ ngâm lâu bị thay đổi thành phần dinh dưỡng, chất đạm thủy phân khiến vi khuẩn dễ tấn công, gây nhiễm khuẩn. Ăn phải loại mộc nhĩ này có thể bị ngộ độc, nhẹ thì đau bụng, buồn nôn, đi ngoài. Nặng có thể gây hôn mê, và từng có trường hợp tử vong vì ăn mộc nhĩ ngâm lâu ngày.
Do đó người dân không nên ngâm mộc nhĩ lâu, thời gian ngâm mộc nhĩ không vượt quá 8 giờ. Quá thời hạn đó là các vi khuẩn sẽ sản sinh tăng gấp nhiều lần có thể sinh độc tố đe dọa sức khỏe người ăn.
Không biết cách rửa sạch mộc nhĩ
Mộc nhĩ ngâm xong phải biết cách rửa sạch thì chế biến món ăn mới ngon, mới cảm nhận trọn vẹn hương vị mộc nhĩ thơm, ngon giòn.
- Hãy rửa mộc nhĩ dưới vòi nước xả mạnh, chà kỹ cho sạch hẳn khi nấu ăn mới an toàn.
- Hoặc cho 2 muỗng bột mì vào nước âm ấm ngâm mộc nhĩ, trộn đều, chà nhẹ để bột mì giúp cặn bẩn, bụi bám trên các khe hở trên mộc nhĩ ra hết.
- Hoặc thêm một chút tinh bột, dùng tay bóp và khuấy đều để loại bỏ chất bẩn còn sót trong mộc nhĩ.
- Những khe kẽ mộc nhĩ khó làm sạch hãy cắt bỏ, bởi cố dùng chế biến món ăn sẽ không ngon, lại không an toàn cho sức khỏe.
- Nếu rửa sạch mà vẫn cảm thấy mùi hôi đặc trưng của mộc nhĩ, thì hãy ngâm mộc nhĩ trong nước ấm và muối 5 phút để loại bỏ mùi hôi đó.
Thời gian ngâm mộc nhĩ tốt nhất nên từ 2 – 3 giờ trong nước lạnh, giúp mộc nhĩ nở căng hết cỡ, chế biến thơm, giòn hơn.
Nếu bận việc có thể ngâm mộc nhĩ vào nước lạnh trước khi đi làm việc khác là khi về đã có mộc nhĩ để chế biến.
Mộc nhĩ sau khi ngâm sẽ nở ra nhiều vì thế đừng ngâm số lượng lớn, nếu không sẽ rất lãng phí.
Nấu kỹ mộc nhĩ
Sau khi sơ chế, cần nấu kỹ cho mộc nhĩ chín kỹ để an toàn cho sức khỏe, ăn ngon và bổ dưỡng hơn.