PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, bệnh ung thư đã và đang là gánh nặng trên toàn cầu, với hơn 19,2 triệu ca mắc mới, gần 10 triệu ca tử vong năm 2020.
Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có 182 nghìn ca mắc mới ung thư, gần 123 nghìn ca tử vong.
Do dịch COVID-19, việc khám chữa bệnh cho người bệnh ít nhiều bị ảnh hưởng, có những bệnh nhân ở vùng đỏ, F1... không thể tái khám, hay bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư trước đó nhưng gián đoạn điều trị. Việc cập nhật những thông tin mới về bệnh học, các phương pháp điều trị cũng bị ảnh hưởng do COVID-19.
Các chuyên gia trong chương trình "Tâm điểm ung thư" đang tư vấn cho người bệnh.
Thời gian qua, Bệnh viện K thực hiện chương trình "Tâm điểm ung thư", được truyền trực tuyến để người bệnh, học viên được tiếp cận các kiến thức về ung thư mới nhất, được các chuyên gia đầu ngành giải đáp cụ thể những thắc mắc, băn khoăn về căn bệnh ung thư, tình trạng ung thư mình đang mắc phải.
"Điều trị ung thư là đa mô thức, gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị sinh học, điều trị miễn dịch… Các kiến thức bệnh học, chẩn đoán, điều trị ngành ung thư luôn được cập nhật để mang tới chất lượng điều trị tốt nhất cho người bệnh. Vì thế, mục tiêu của Bệnh viện K là vượt lên sự ảnh hưởng của dịch bệnh, cập nhật những bài giảng trực tuyến, với những kiến thức mới nhất cho các bác sĩ, học viên, để mang đến hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh", Giám đốc Bệnh viện K cho biết.
TS.BS Đỗ Anh Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, mới đây khi xuất hiện trong chương trình "Cập nhật điều trị mới các dòng đột biến không thường gặp ung thư phổi không tế bào nhỏ" đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ học viên là bác sĩ, bác sĩ nội trú.
Theo TS Tú, ung thư phổi là gánh nặng sức khỏe toàn cầu. Theo thống kê, ung thư phổi là một trong 5 loại ung thư thường gặp ở Việt Nam, với hơn 26 nghìn người mắc mới ung thư phổi mỗi năm. Khi cập nhật về các kiến thức mới, phương pháp điều trị mới sẽ giúp bác sĩ lên được phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.
"Không chỉ là bài giảng về kiến thức, bác sĩ tuyến cơ sở có những ca bệnh khó cũng kết nối trực tuyến với các bác sĩ Bệnh viện K để cùng trao đổi, tháo gỡ, ứng dụng các phương pháp điều trị mới, hướng tới sự hài lòng, an toàn của người bệnh", TS Tú nói.
Hay như trong chương trình về bệnh ung bướu ở trẻ em, ung thư vú ở phụ nữ, rất nhiều bạn đọc đã tương tác, được bác sĩ trực tiếp trả lời, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc về tình trạng bệnh lý.
Các kiến thức đều được cập nhật mới nhất từ các hội nghị, tổ chức ung thư học hàng đầu thế giới.
Các bác sĩ cho biết, ngày nay, với sự tiến bộ của y học, ung thư không còn là cửa tử. Ung thư có thể phát hiện sớm thông qua khám sức khỏe, tầm soát định kỳ. Khi được phát hiện sớm, tiên lượng điều trị rất tốt, người bệnh có sức khỏe, cuộc sống như người bình thường, thậm chí kết hôn, sinh con. Ngay cả ở giai đoạn muộn hơn, các phương pháp điều trị cũng cải thiện triệu chứng tốt, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh.
Vấn đề quan trọng là mỗi người cần quan tâm sức khỏe, khám định kỳ, tầm soát để kịp thời điều trị khi có bệnh.
Nguyên tắc và các phương pháp dự phòng COVID-19 không có gì khác biệt so với người bình thường, nhưng người bệnh ung thư cần lưu ý, thận trọng thực hiện chúng một cách triệt để và nghiêm ngặt hơn.
Bác sĩ tư vấn cho người bệnh.
Cụ thể, người bệnh ung thư cần:
- Tránh tiếp xúc với nguồn lây, nơi đông người;
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng hay các vật dụng, bề mặt nơi công cộng;
- Thường xuyên rửa tay đúng quy trình, nên đeo khẩu trang khi đến chỗ công cộng;
- Sử dụng khăn giấy nếu ho hoặc hắt hơi hoặc ho, hắt hơi vào khuỷu tay chứ không phải bàn tay của mình…
Cùng với đó, người bệnh ung thư cần được chăm sóc dinh dưỡng tích cực để duy trì sức khỏe, tăng cường miễn dịch chống lại bệnh ung thư cũng như các bệnh nhiễm khuẩn cơ hội.