Có thể nói đột quỵ không còn quá xa lạ đối với chúng ta hiện nay. Đột quỵ não là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Ngoài ra, nó còn gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống của bệnh nhân như liệt nửa người, tàn phế…
Trong bối cảnh ngày nay, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ ở Việt Nam đang tăng lên đáng kể. Do bệnh có đặc điểm diễn ra âm thầm, khó phát hiện cộng với thời gian trở nặng diễn ra nhanh chóng nên tỷ lệ gặp rủi ro đối với bệnh nhân vô cùng lớn.
Trong livestream "NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ GIỜ VÀNG ĐỘT QUỴ", PGS. TS. BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng Đơn vị đột quỵ, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, BV Đại học Y Hà Nội đã đưa ra những lời khuyên về tình trạng đáng lo ngại này.
Trong đó, bác sĩ đã nhấn mạnh nhóm những người có nguy cơ cao đồng thời giải đáp thắc mắc về quan niệm mùa đông dễ bị đột quỵ.
Theo bác sĩ Hải, "đột quỵ diễn ra đột ngột nhưng thực ra nó đã phát triển âm thầm. Trên thực tế từ khi sinh ra con người đã có nguy cơ đột quỵ". Nguyên nhân là do mạch máu dần xơ vữa và lão hóa theo thời gian.
Tuy nhiên một số bệnh khiến tình trạng đột quỵ diễn ra nhanh hơn. Người càng nhiều tuổi, thì mạch càng xơ vữa do đã làm việc nhiều năm cộng với các yếu tố như mỡ máu, đường máu… tác động lên khiến thành mạch dễ bị tổn thương.
Nhóm người tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, đã từng bị đột quỵ hoặc trong gia đình có người mắc đột quỵ có nguy cơ cao hơn cả. Thêm vào đó, những người càng nhiều tuổi thì nguy cơ mắc cũng cao hơn.
Khi được hỏi về nhóm nguyên nhân gây ra đột quỵ, PGS. TS. BS Hoàng Bùi Hải khẳng định các yếu tố như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá và tiền sử gia đình là những nguyên nhân phổ biến.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng chỉ ra những nhóm nguyên nhân đặc thù đối với tình trạng nhồi máu não, tắc mạch máu não và xuất huyết não.
Cụ thể, nhồi máu não có thể xuất phát từ tình trạng tim bị loạn nhịp (rung nhĩ), tiền sử nhồi máu cơ tim, các vấn đề về van tim dạng cơ học. Ngoài ra, rối loạn tăng đông cũng góp phần gia tăng nguy cơ này. Khi thành mạch có vấn đề, cơ thể có cơ chế tăng tiểu cầu để đông máu. Trong trường hợp quá đà có thể gây ra cục máu đông.
Hình minh họa: Flint Rehab
Bên cạnh đó, nhóm yếu tố chèn ép từ bên ngoài, chất kích thích, tai nạn nghề nghiệp cũng có thể gây ra tình trạng nhồi máu não.
Đối với nhóm xuất huyết não, nguyên nhân chủ yếu là do mạch máu có vấn đề như phình mạch, dị dạng động tĩnh mạch. Không giới hạn độ tuổi, có thể vỡ bất cứ lúc nào gây ra tình trạng xuất huyết não.
Giải thích quan niệm được truyền tai nhau bấy lâu nay rằng vào mùa đông, nguy cơ đột quỵ cao hơn, bác sĩ Hải cho biết đây hoàn toàn có cơ sở khoa học.
Bác sĩ giải thích việc nhiệt độ giữa mùa hè và mùa đông có sự chênh lệch lớn. Khi môi trường thay đổi nhiệt độ cơ thể sẽ xuất hiện phản ứng co mạch ngoại vi để giữ ấm. Lúc này, máu sẽ dồn về trung tâm gây tăng huyết áp đột ngột. Khi huyết áp tăng lên quá nhanh, nó sẽ tác động lên thành mạch. Các thành mạch vốn dĩ có vấn đề như xơ vữa, mạch bị hẹp thì chỉ một tác động nhẹ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng như xuất huyết và nhồi máu não, bong các mảng xơ vữa gây ra hiện tượng tắc mạch.
Như vậy, tình trạng đột quỵ không chỉ xảy ra với người cao tuổi. Những người càng có nhiều đặc điểm như ở trên thì nguy cơ mắc đột quỵ càng cao. Để bảo vệ bản thân và gia đình đặc biệt trong thời gian chuyển mùa như hiện nay, chúng ta cần chú ý chủ động phòng tránh để có thể ngăn chặn cũng như phát hiện kịp thời, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.