Các bệnh ung thư thường có biểu hiện ở ngay tại cơ quan mà khối u hình thành, phát triển. Tuy nhiên, nhiều người mắc ung thư có chung một dấu hiệu, ví dụ như đổ mồ hôi vào ban đêm.
Đổ mồ hôi là cách mà cơ thể điều tiết nhiệt độ, thoát nhiệt qua da. Lúc này, cơ thể sẽ giải phóng nước và muối từ tuyến mồ hôi lên da. Lượng mồ hôi tiết ra thông thường sẽ phụ thuộc vào mức độ hoạt động thể chất, trạng thái cảm xúc, nhiệt độ cơ thể cũng như môi trường. Việc tăng tiết mồ hôi có thể là hậu quả của sự thay đổi hoặc mất cân bằng nội tiết tố. Theo Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Vương Quốc Anh, đổ mồ hôi quá nhiều, đặc biệt là vào ban đêm, có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của khối u carcinoid, u tuyến thượng thận, ung thư hạch Hodgkin, ung thư máu, u trung biểu mô (hình thành trong niêm mạc phổi hoặc bụng), ung thư xương, ung thư gan.
Vì sao ung thư lại gây đổ mồ hôi vào ban đêm?
Đổ mồ hôi vào ban đêm có thể cảnh báo ung thư (Ảnh: Getty)
Như đã đề cập ở trên, đổ mồ hôi vào ban đêm có thể là hậu quả của nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Nhưng đổ mồ hôi đêm liên quan tới ung thư thường là đổ mồ hôi rất nhiều và đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, giảm cân không rõ nguyên nhân.
Khi các tế bào ung thư phát triển, phản ứng miễn dịch có thể gây ra các triệu chứng nhiễm trùng, bao gồm sốt. Lúc này, cơ thể sẽ toát mồ hôi để giảm nhiệt.
Đổ mồ hôi vào ban đêm do thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ mãn kinh hoặc tiền mãn kinh xảy ra không thường xuyên. Ngược lại, ở những người mắc ung thư, triệu chứng này thường kéo dài dai dẳng và ở mức độ nặng hơn. Nhiều người nói họ phải tỉnh giấc giữa đêm vì quần áo mình ướt sũng mồ hôi.
Đổ mồ hôi đêm cũng có thể là tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư, đặc biệt là một số liệu pháp như liệu pháp hormone, hóa trị, xạ trị. Một số loại thuốc, chẳng hạn như opioid, steroid và thuốc chống trầm cảm, cũng có thể gây đổ mồ hôi đêm.
Đối phó với đổ mồ hôi vào ban đêm như thế nào?
Nên dùng ga, gối có độ thấm hút tốt (Ảnh: Healthline)
Nếu bị đổ mồ hôi đêm kéo dài, đặc biệt nếu đổ mồ hôi ở mức độ nặng, bạn nên tới các cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán bệnh.
Để giảm bớt triệu chứng đổ mồ hôi đêm, bạn có thể áp dụng một số cách sau:
- Sử dụng ga, gối, quần áo ngủ bằng các loại vải thấm hút mồ hôi.
- Ngủ trong phòng có nhiệt độ mát mẻ.
- Tắm trước khi đi ngủ.
- Duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải.
- Duy trì tập thể dục thể thao.
- Tập các bài tập giúp thư giãn hoặc các bài tập thở. Một số nghiên cứu cho rằng thở chậm và đều có thể giúp giảm đổ mồ hôi vào ban đêm và giúp bạn dễ ngủ trở lại hơn.