Cô Vương (54 tuổi) sống cùng gia đình ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Được biết, cô vừa trải qua ca phẫu thuật nội soi dưới niêm mạc tại Khoa Tiêu hóa của bệnh viện cách đây vài ngày. Đây là lần thứ 2 cô thực hiện ca phẫu thuật này trong vòng 3 năm trở lại đây.
Trong những năm qua, cô Vương đều duy trì thói quen đi khám nội soi dạ dày. Vào tháng 5 năm 2020, bác sĩ đã phát hiện thấy môt khối u có đường kính 2cm khi cô Vương đi khám và kết quả sinh thiết cho thấy nó là khối u ác tính. Tuy nhiên, may mắn là vì phát hiện sớm nên khối u không chiếm diện tích lớn và chưa xâm lấn vào các mô xung quanh. Vào thời điểm đó, bác sĩ đã thực hiện một ca phẫu thuật để bảo tồn chức năng hoạt động của dạ dày, thông qua tái tạo ruột nên cứu được mạng sống của cô Vương. Khi được hỏi về tiền sử bệnh tật, cô Vương cho biết mình không phải người mắc ung thư duy nhất trong gia đình.
Hơn 20 năm trước, mẹ của cô Vương được phát hiện mắc bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối sau khi được đưa vào bệnh viện do quá đau bụng và qua đời vì điều trị không hiệu quả. Không lâu sau đó, dì của cô Vương cũng đến bệnh viện kiểm tra vì cảm thấy trướng bụng, đau bụng và người dì này cũng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày, khối u đã tiến triển ở giai đoạn cuối. Các chuyên gia ở Khoa Tiêu hóa của bệnh viện đã cảnh báo rằng, ung thư dạ dày có yếu tố di truyền trong gia đình, tỷ lệ người thân mắc bệnh cao gấp 2 - 4 lần so với người bình thường. Hàng năm, những gia đình như cô Vương nên chủ động đi nội soi dạ dày và phòng ngừa nguy cơ nhiễm HP để bảo vệ dạ dày tốt nhất.
Sau cùng, khi bác sĩ hỏi thêm về người thân trong gia đình cô Vương, cô mới chia sẻ mình còn một người chị gái nữa. Vị bác sĩ nhắc nhở cô Vương nên khuyên chị gái đi nội soi dạ dày hàng năm để tầm soát và điều trị bệnh sớm. Sau lần đó, hai chị em cô Vương nghe theo chỉ dẫn từ bác sĩ, chủ động đi khám sức khỏe định kỳ. Năm ngoái, người chị cũng phát hiện bản thân đã mắc ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu nên năm nay phẫu thuật nội soi thành công, cắt bỏ được hoàn toàn khối u.
Trên thực tế, ung thư dạ dày thường có tính chất gia đình. Tuy nhiên, đây không chỉ là mối quan hệ di truyền mà chủ yếu còn do các nguyên nhân sau:
1. Do chung một thói quen ăn uống xấu
Tục ngữ có câu "bệnh từ miệng mà ra", ung thư dạ dày phát sinh có quan hệ mật thiết với chế độ ăn uống. Do các thành viên trong gia đình sống chung một môi trường trong thời gian dài, có thói quen ăn uống không tốt nên cùng chịu tác động của các yếu tố nguy cơ gây ung thư, từ đó rất dễ dẫn đến ung thư dạ dày.
Thói quen ăn uống không tốt bao gồm các khía cạnh sau: ăn uống thất thường, ăn quá no, ăn ngấu nghiến, vội vàng, không ăn rau và trái cây tươi, hút thuốc lá, nghiện rượu, thường xuyên uống trà hoặc cà phê đặc…
2. Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori
Mặc dù ung thư dạ dày không lây nhiễm, nhưng yếu tố gây ung thư chính là truyền nhiễm, ở đây chúng ta đang nói về vi khuẩn Helicobacter pylori. Loại vi khuẩn này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê là tác nhân gây ung thư chính. Helicobacter pylori sống ở các vùng khác nhau của dạ dày và tá tràng, có thể xuyên qua lớp chất nhầy dạ dày để định cư trên bề mặt tế bào biểu mô dạ dày, gây tổn thương tế bào biểu mô, gây viêm teo dạ dày mãn tính, đồng thời thúc đẩy quá trình tăng sinh quá mức của tế bào biểu mô niêm mạc. Sau cùng, nó dẫn đến biến dạng và ung thư dạ dày.
Nếu trong gia đình có người bị nhiễm Helicobacter pylori, việc ăn uống chung, dùng chung bát đĩa, đút thức ăn bằng miệng… sẽ dễ khiến loại vi khuẩn này lây nhiễm cho nhau, từ đó càng làm ung thư dạ dày co cụm trong gia đình.
Nguồn và ảnh: Sohu