Dịch bệnh này bắt đầu vào cuối năm 1987, khiến cho hơn 300.000 người nhiễm bệnh và thậm chí còn khiến món sò huyết không còn xuất hiện trên bàn ăn của người Thượng hải tới hơn 30 năm.
Thời điểm đó, Phó thị trưởng thành phố Thượng Hải là bà Xie Lijuan nhận được báo cáo khẩn về tình trạng số lượng người mắc bệnh kiết lỵ trong thành phố tăng chóng mặt, thậm chí nhiều bệnh viện đã quá tải.
Là 1 người công tác nhiều năm trong ngành y tế, cũng đã phụ trách vệ sinh và phòng chống dịch bệnh của thành phố được 4 năm, nên chỉ vừa đọc báo cáo bà đã nhận ra điểm bất thường.
Bởi vì bệnh kiết lỵ là 1 bệnh truyền nhiễm do thực phẩm, thường xảy ra nhất vào mùa hè hoặc sau thiên tai như lũ lụt, nhưng hiện tại đang là mùa đông, thời tiết cũng không có gì bất thường.
Bà lập tức cùng Giám đốc Sở Y tế Thành phố Thượng Hải lúc này là ông Wang Daomin xuống tận các “ổ dịch” và các bệnh viện đông bệnh nhân kiết lỵ nhất để tìm hiểu nguyên nhân. Điểm chung của họ là đều từng ăn món sò huyết, phần lớn là sò huyết tươi.
Thời điểm này, sò huyết rất phổ biến ở Thượng Hải, là món ăn bổ dưỡng, nhiều cách chế biến mà giá lại rẻ nên rất được yêu thích. Sò huyết vào Thượng Hải chủ yếu được vận chuyển về từ vùng Sơn Đông qua đường sông Dương Tử.
Năm đó, sò huyết Sơn Đông bội thu với sản lượng trên 50.000 tấn, khiến cho giá sò huyết rẻ kỷ lục. Ước tính khoảng 2,3 triệu người, tức khoảng 1 phần 6 dân số Thượng Hải lúc này đã ăn sò huyết từ Sơn Đông.
Trên thực tế, vào năm 1983, đã có một đợt bùng phát dịch bệnh do sò huyết ở Thượng Hải, dẫn đến nhiều chính sách siết chặt về buôn bán loại hải sản này. Nhưng 5 năm sau, việc mở rộng thương mại cùng nhiều phương pháp ăn sò huyết sống mới lạ, độc đáo được cho là bổ dưỡng hơn, cường dương bổ thận đã khiến dịch bệnh khủng khiếp hơn bùng phát.
Điều tra cho thấy sò huyết Sơn Đông thời điểm đó được khai thác quá gần bờ, bị nhiễm chất độc hại từ chất hóa học khi trồng trọt, vi khuẩn trong phân người và phân động vật tại các khu dân cư.
Rút kinh nghiệm từ đợt dịch bệnh năm 1983, bà Xie Lijuan biết rằng kiết lỵ chỉ là khởi đầu, kéo theo đó sẽ là đợt bùng phát mất kiểm soát của viêm gan A. Bà lập tức cho xét nghiệm sò huyết trên thị trường, đồng thời chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị giường bệnh, trang thiết bị, nhân lực ứng phó.
Ngày 3/1/1988, kết quả xét nghiệm cho thấy sò huyết Sơn đông chứa virus viêm gan A, thành phố ra quyết định đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh sò huyết trong toàn Thượng Hải ngay trong đêm.
Sau rất nhiều nỗ lực, ngày 19/1/1988, bệnh kiết lỵ chưa được kiểm soát thì tổng số ca viêm gan A nhập viện đã lên đến 633 bệnh nhân. Mười sáu ngày sau đó, mỗi ngày có khoảng 10.000 ca mắc mới, con số này tăng lên 20.000 ca vào đầu tháng 2/1988. Các ca tử vong vì viêm gan A cũng bắt đầu tăng, làm người dân ai nấy đều hoang mang cực độ.
Lúc này, 55.000 giường bệnh được chuẩn bị sẵn đã quá tải, chính quyền phải nhờ đến sự giúp đỡ của các tỉnh lân cận. Các kho xưởng công ty, ký túc xá trường học, khách sạn, tòa nhà cộng đồng… trở thành “khu dã chiến” và khu cách ly tạm thời. Toàn thành phố có 1.254 điểm xét nghiệm và có tới 118.000 giường bệnh.
Công ty Dược liệu Thượng Hải cung cấp hơn 1,7 triệu tấn dược liệu phòng chống bệnh viêm gan, nhưng nó đã hết sạch trong chưa đầy 3 ngày. Bà Xie Lijuan từng kể lại với báo chí: lúc đó không có thuốc đặc trị viêm gan A nên các loại thuốc đều được đun trong một cái nồi to, khi sắc thuốc ai cũng được phát một bát.
Bà ngậm ngùi nói: “Nói thật là không biết trong bát thuốc mọi người uống có bao nhiêu liều thuốc, nhưng nếu không được phát thuốc, bệnh nhân sẽ nghĩ không có thuốc đặc trị và bi quan, thất vọng”.
Ngoài giường bệnh, thiết bị bảo hộ, thuốc thì chất khử trùng cũng trở nên khan hiếm. Trong 1 tháng, tổng số chất khử khuẩn được sản xuất là hơn 20 tấn, tương đương với sản lượng của 2 năm trước đó. Hơn 4 triệu tài liệu bằng giấy, hàng loạt các chương trình truyền hình, phim ảnh được sản xuất cấp tốc để phục vụ tuyên truyền và hướng dẫn phòng chống dịch.
May mắn là với sự chung tay góp sức của cả nước, đến ngày 24/2/1988, số ca viêm gan A đã giảm đáng kể. Đến cuối tháng 3/1988, dịch kiết lỵ và viêm gan A đã được kiểm soát.
Tính đến ngày 13/5/1988, có 310.746 trường hợp mắc và may mắn là chỉ có 31 trường hợp tử vong do viêm gan A. Dịch bệnh khủng khiếp này khiến cho người dân Thượng Hải ám ảnh rất nhiều năm sau đó, ngay cả khi bãi bỏ lệnh cấm kinh doanh sò huyết tươi, món ăn này gần như không xuất hiện trên bàn ăn của họ hơn 30 năm sau.
Bác sĩ: hãy cẩn trọng với sò huyết vào mùa hè!
Trên thực tế, số người nhiễm virus viêm gan A gấp 4 lần số bệnh nhân mắc bệnh viêm gan A, điều này có nghĩa là 1,5 triệu người ở Thượng Hải đã bị nhiễm virus này khi đó. Đặc biệt, virus viêm gan A có thể tồn tại trong sò huyết lên đến 3 tháng, nên tỷ lệ mắc bệnh càng cao.
Nguy hiểm là mỗi mùa hè đến, loại thực phẩm này cực kỳ phổ biến trên bàn nhậu, khi đi du lịch hay thậm chí là các bữa ăn hàng ngày. Mặc dù có nhiều công dụng chữa bệnh, tốt cho sức khỏe, nhưng không phải ai cũng ăn được sò huyết, và việc sử dụng sò huyết không đúng sẽ để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, khi ăn sò huyết cần tránh những điều sau đây:
- Do sống trong bùn, nước nên nguy cơ bị nhiễm các loại vi khuẩn và virus gây bệnh cao, bao gồm cả viêm gan A, thương hàn, kiết lỵ, tả, ecoli, giun… Đây là nguyên nhân gây nhiễm trùng tiêu hoá, ngộ độc, thậm chí tử vong. Vì vậy, không nên ăn sò huyết sống, người có hệ tiêu hóa kém, hoặc cơ địa dị ứng tốt nhất không nên ăn.
- Mức độ retinol có trong sò huyết quá cao, loại chất này còn liên quan đến dị tật bẩm sinh. Vì vậy với phụ nữ mang thai và sau khi sinh không nên ăn món này.
- Ngoài ra, sò huyết cũng là món không được khuyến khích đối với trẻ nhỏ. Theo các chuyên gia, không nên cho trẻ ăn sò sớm quá vì hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, trẻ ăn sò nấu chưa kỹ rất dễ có nguy cơ bị ngộ độc.
Nguồn và ảnh: QQ, Asia One, Healthline