Nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho hay mướp đắng có nguồn gốc ở châu Phi, châu Á và đã được thuần hóa ở Ấn độ. Ở nước ta, mướp đắng được trồng ở khắp nơi trong các nương rẫy và các vườn gia đình.
Ở các tỉnh thành phía Nam, mướp đắng được nấu với tôm, thịt lợn nạc; ninh xương, hấp với thịt băm; muối dưa, làm nộm; xào, kho; ăn sống. Dù với cách chế biến nào, mướp đắng đều là vị thuốc rất mát và bổ, thanh nhiệt, giải độc, trị rôm sảy, mụn nhọt.
Canh mướp đắng (Ảnh: Internet)
Mướp đắng có tên khoa học là Momordica charantia L, thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae). Mướp đắng có nhiều chất xơ và nhiều vitamin như vitamin A, vitamin C, canxi, kali, phốt pho, kẽm, đồng, sắt và magiê.
Mướp đắng có nhiều lợi ích cho sức khoẻ như giảm béo bụng, tăng cường khả năng miễn dịch, tăng cường sức khoẻ tim mạch, hỗ trợ thị lực, hạ huyết áp, giảm loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori, kháng khuẩn, chữa lành các vết thương hoặc vết loét ở da, hạ đường huyết…
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, trong y học cổ truyền, mướp đắng có vị đắng, lạnh đi vào tỳ vị tâm can. Mướp đắng dùng sống thì trừ nhiệt, minh mục, thanh tâm, nấu chín thì dưỡng huyết, tư can, nhuận tỳ, bổ thận.
Quả mướp đắng có vị đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, tiêu đờm, sáng mắt, mát máu, nhuận tràng; nhuận tỳ, bổ thận, nuôi can huyết, lợi niệu, trừ nhiệt độc, chống mệt mỏi.
Hạt mướp đắng có vị đắng, ngọt, có tác dụng tăng khí lực, cường dương.
Hoa mướp đắng có vị đắng, tính mát, có tác dụng trị viêm loét dạ dày.
Lá mướp đắng có vị đắng, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, giảm đau; chủ trị mụn nhọt, đau nhức.
Lương y Bùi Đắc Sáng
Món ăn bài thuốc từ mướp đắng
- Giải nhiệt, tiêu đờm, sáng mắt, mát máu, nhuận tràng: Quả mướp đắng tươi lượng tuỳ dùng ăn sống.
- Trị đột quỵ do tim mạch, sốt, khô miệng (tiêu khát), viêm họng: 15-30g quả mướp đắng, sắc lấy nước uống.
- Nhuận tỳ, bổ thận, nuôi can huyết, trừ nhiệt độc, chống mệt mỏi: Quả mướp đắng chín lượng tuỳ dùng sắc uống.
- Chữa viêm họng: Hạt mướp đắng lượng tuỳ dùng nhai, nuốt nước.
- Chữa đau dạ dày: Hoa mướp đắng tán nhỏ để uống.
- Chữa mụn nhọt đau nhức: Lá mướp đắng khô lượng tuỳ dùng, tán thành bột, uống 12g/lần với rượu. Bên ngoài dùng lá tươi giã, rồi chưng nóng đắp lên.
Theo các chuyên gia, dùng quá nhiều mướp đắng có thể bị đầy bụng, khó tiêu, đi tiêu phân lỏng. Không nên sử dụng mướp đắng cho những trường hợp có biểu hiện hạ đường huyết vì mướp đắng có đặc tính hạ đường huyết. Phụ nữ có thai không nên sử dụng mướp đắng vì có thể gây co thắt tử cung, xuất huyết dẫn tới hư thai hoặc sinh non.