Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh Marburg được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1967. Marburg gây sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức) cũng như ở Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia). Các trường hợp khác được phát hiện ở Angola, Cộng hòa dân chủ Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda.
Mô phỏng Virus Marburg (màu xanh lam) sinh sôi trên bề mặt của các tế bào bị nhiễm bệnh
Từ ngày 7/1/2023 đến nay (23/03/2023) đã ghi nhận 9 trường hợp nhiễm virus Marburg tại Guinea Xích Đạo (Tây Phi) và tất cả đều đã tử vong. WHO đã phải liên tục phát đi các thông điệp cảnh báo, nâng cao công tác phòng chống và đối mặt với loại virus này. Bởi vì WHO đánh giá rủi ro do bùng phát bệnh Marburg là rất cao ở cấp quốc gia, vừa phải ở cấp khu vực và thấp ở cấp toàn cầu (trong thời điểm hiện tại).
Ở Việt Nam, Bộ Y tế cùng các cơ quan ban ngành có liên quan cũng liên tục đưa ra các cảnh báo, tuyên truyền về phòng và chống bệnh Marburg. Nhất là ở các tỉnh có đường biên giới, vùng dân cư có số lượng người di chuyển giữa các quốc gia, người nước ngoài nhiều, tỷ lệ nhập cư cao.
Bệnh Marburg nguy hiểm như thế nào và lây nhiễm ra sao?
WHO cho biết, virus Marburg là một loại RNA virus thuộc họ Filovirus gây bệnh sốt xuất huyết tương tự như Ebola. WHO cảnh báo bệnh do virus Marburg gây ra là một bệnh có độc lực cao với tỷ lệ tử vong lên tới 88%. Ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả. Bệnh có thể lây từ động vật sang người và từ người sang người.
Virus Marburg lây lan giữa người với người qua tiếp xúc trực tiếp qua da hoặc niêm mạc bị tổn thương với máu, dịch tiết, cơ quan hoặc chất dịch cơ thể khác của người bị nhiễm bệnh. Bao gồm cả nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, chất nôn, sữa mẹ, tinh dịch… Hoặc tiếp xúc gián tiếp với môi trường, vật dụng bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người mắc do virus Marburg.
Ví dụ như có một số trường hợp nhân viên y tế trước đây từng bị nhiễm bệnh trong khi điều trị cho bệnh nhân Marburg thông qua quần áo, giường bệnh... WHO nhấn mạnh thêm rằng, các nghi lễ chôn cất có tiếp xúc trực tiếp với thi thể của người bệnh tử vong cũng có thể góp phần vào việc lây truyền bệnh Marburg.
Đặc biệt, WHO cũng chỉ ra rằng 9 trường hợp đã tử vong vì bệnh này tại Guinea Xích Đạo có khoảng cách trung bình là 150km. Điều này cho thấy cần hết sức cẩn trọng bởi khả năng lây truyền của virus rộng.
Triệu chứng của bệnh Marburg dễ bị nhầm lẫn
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu, Marburg không lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh. Đáng lo ngại là bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao nhưng trong giai đoạn đầu lại rất khó phân biệt với nhiều bệnh sốt nhiệt đới khác do các triệu chứng lâm sàng giống nhau.
Các bệnh sốt xuất huyết do virus khác cần được loại trừ sẽ bao gồm: bệnh do virus Ebola, bệnh sốt rét, sốt thương hàn, bệnh leptospirosis, nhiễm trùng do rickettsia và bệnh dịch hạch.
Ảnh minh họa
Giống Ebola, Marburg có thể gây ra chứng sốt xuất huyết do virus rất nghiêm trọng, cản trở khả năng đông máu. Theo WHO, thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 - 21 ngày. Thường sẽ bắt đầu đột ngột với sốt cao, nhức đầu dữ dội và khó chịu nghiêm trọng. Tiêu chảy nặng, đau bụng và chuột rút, buồn nôn và nôn có thể bắt đầu vào ngày thứ ba.
Các triệu chứng khác có thể có như đau cơ, thờ ơ chán chường, chảy máu qua chất nôn, phân và từ các bộ phận cơ thể khác. Còn các triệu chứng diễn tiến nặng sẽ bao gồm vàng da, viêm tụy, suy gan, suy đa cơ quan và xuất huyết nặng.
Các biểu hiện xuất huyết nghiêm trọng có thể xuất hiện từ 5 - 7 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng. Các trường hợp tử vong thường có một số dạng chảy máu, thường từ nhiều vùng. Tử vong thường xảy ra nhất trong khoảng từ 8 - 9 ngày sau khi khởi phát triệu chứng, thường xảy ra trước khi mất máu nghiêm trọng và sốc.
Để đưa ra chẩn đoán lâm sàng chính xác về bệnh Marburg, chủ yếu sẽ sử dụng xét nghiệm RT-PCR. Các xét nghiệm khác có thể được sử dụng như xét nghiệm miễn dịch hấp thụ liên kết với enzyme bắt kháng thể (ELISA), xét nghiệm phát hiện bắt giữ kháng nguyên, xét nghiệm trung hòa huyết thanh, kính hiển vi điện tử và phân lập virus bằng nuôi cấy tế bào.
Phòng tránh và điều trị bệnh Marburg ra sao?
WHO cho biết, hiện tại vẫn chưa có vaccine để dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu virus Marburg. Khi điều trị, đa phần người bệnh chỉ được hỗ trợ nâng đỡ, bù chất lỏng qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch. Đồng thời, truyền máu khi có biểu hiện xuất huyết và thực hiện các phương pháp can thiệp y tế cho từng triệu chứng cụ thể để cải thiện khả năng sống sót.
Ảnh minh họa
Về phòng tránh virus Marburg, tốt nhất là tránh tiếp xúc với các loài động vật hoang dã có khả năng nguy cơ mang mầm bệnh, đặc biệt là dơi ăn quả. Không ăn thịt động vật hoang dã, nhất là uống máu hoặc ăn thịt sống. Nên hạn chế (nếu có thể) hoặc sử dụng các biện pháp phòng tránh (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách…) với những người bị nghi ngờ mắc bệnh, người đi từ các nước Tây Phi về.
Ngoài ra, hãy nâng cao vệ sinh cá nhân và môi trường sống, chủ động ăn uống và tập luyện để tăng cường miễn dịch. Nếu có các triệu chứng bất thường thì đừng nên tự xử lý mà cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn và ảnh: WHO, webMD, UN News