Mới đây, nam diễn viên Quách Kỳ Lân đã chia sẻ trên chương trình du lịch ẩm thực Trung Quốc Roaming rằng anh bị bệnh gút hành hạ vô cùng khổ sở. Bàn chân bị sưng tấy, thậm chí anh không thể mở mắt vì quá đau, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và công việc.
Thậm chí, vào ngày ghi hình cho chương trình này, bệnh gút của anh nặng đến mức việc dùng thuốc cũng không thể kiểm soát được cơn đau, 2 bàn chân sưng tấy không thể đi lại mà phải có sự hỗ trợ của xe lăn.
Hình ảnh Quách Kỳ Lân quằn quại do cơn đau mà bệnh gút gây ra (Ảnh 1: Bệnh gút đang hành hạ tôi; Ảnh 2: Tôi phải uống thuốc; Ảnh 3: Cơn đau dày vò)
Hình ảnh Quách Kỳ Lân phải ngồi xe lăn để ghi hình
Thực tế, Quách Kỳ Lân chỉ là một trong số rất nhiều những trường hợp người trẻ mắc phải bệnh gút - căn bệnh vốn tưởng chỉ gặp ở người trung niên và cao tuổi. Theo số liệu mới nhất trong Sách trắng về xu hướng tăng axit uric và bệnh gút ở Trung Quốc năm 2021, tỷ lệ người nguy cơ cao mắc bệnh gút ở nước này là 13,3%, trong đó có gần 60% là thanh niên trong độ tuổi 18 - 35 tuổi.
Trong khi đó, theo trang thông tin Bệnh viện 115, tại Việt Nam, năm 2003, tỷ lệ mắc bệnh gút chỉ là 0,14% dân số. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 10 năm, con số này đã tăng vọt lên 1% dân số, tương đương 940.000 bệnh nhân (năm 2014). Đáng chú ý, 75% số đó là những người trong độ tuổi lao động.
Sở dĩ bệnh gút xuất hiện ngày càng phổ biến là do thói quen ăn uống kém lành mạnh của giới trẻ. Bên cạnh đó, do tâm lý chủ quan nên nhiều người không nhận ra biểu hiện cảnh báo sớm của bệnh gút: đi khám sức khỏe, họ nhận được kết quả chẩn đoán chỉ số axit uric trong máu cao hoặc bị tăng axit uric máu nhưng lại chưa thấy đau, không ngứa, cảm giác khó chịu chưa rõ rệt nên không quan tâm đến bệnh.
Bác sĩ Zhang Liming, Trưởng khoa Thận, Bệnh viện Trung ương Zhabei (Trung Quốc) khẳng định, tăng axit uric máu (axit uric trong máu cao) là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh gút. Tình trạng này xảy ra do cơ thể tự sản xuất quá nhiều axit uric, dẫn đến rối loạn bài tiết của thận. Lượng axit uric cao lâu ngày sẽ hình thành các tinh thể, chúng dễ lắng đọng ở các khớp gây viêm quanh khớp, và cuối cùng là bệnh gút.
Ông cũng cho biết 80% trường hợp tăng axit uric máu được tạo ra trong cơ thể, và chỉ 20% nguyên nhân là do ngoại sinh. Ngoài phù nề, đau đớn, bệnh gút còn tác động rất xấu đến thận và tim mạch, gây ra bệnh tiểu đường, cao huyết áp, suy giảm chức năng xương khớp...
Tăng axit uric máu (axit uric trong máu cao) là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh gút
Để phòng tránh bệnh này, người trẻ cần bỏ thói quen ăn vặt và hạn chế thức ăn chứa nhiều purin như nội tạng động vật, thịt đỏ, hải sản, da gia cầm, đồ uống có cồn… hay các loại trái cây giàu đường fructose như táo, cam, hồng, chuối…
Những loại thực phẩm giúp giảm nguy cơ bệnh gút được bác sĩ khuyến khích sử dụng bao gồm trứng, các sản phẩm từ sữa, rau xanh, uống nhiều nước lọc và ăn các loại trái cây có hàm lượng đường fructose thấp như anh đào, dâu tây, dứa, dưa hấu, đào…
Nhưng trên hết, đừng chủ quan với bệnh gút, đặc biệt là với người trẻ, phải thăm khám sức khỏe định kỳ, rèn cho mình thói quen ăn uống khoa học, tập thể thao và đến bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Nguồn và ảnh: Shanghai Jing'an, Kknews, Sohu, Eat This