Bác sĩ Zhou Jian'an tại Phòng khám Churi ở Đài Loan (Trung Quốc) thường xuyên chia sẻ những thông tin sức khỏe hữu ích trên mạng xã hội. Gần đây, bác sĩ Zhou đã chia sẻ trường hợp về một bệnh nhân 19 tuổi, cao 1m73, nặng 110kg, đến khám với mong muốn giảm cân.
Qua thăm khám, bác sĩ Zhou phát hiện ra mức đường huyết của chàng trai này cao bất thường, chỉ số HbA1c lên đến 9% (trong khi mức bình thường là 4.0% đến 5.6%). Ngoài ra, các chỉ số mỡ máu, acid uric và chức năng gan của bệnh nhân cũng vượt quá mức cho phép.
Sau khi tìm hiểu kỹ về thói quen sinh hoạt hằng ngày, bác sĩ Zhou phát hiện chàng trai này thường xuyên ăn thức ăn nhanh với lượng gấp đôi người bình thường, uống nhiều đồ uống có đường, ít uống nước lọc, lại thêm áp lực học tập và lười vận động, dẫn đến mắc bệnh tiểu đường.
Ảnh minh họa.
Với sự thay đổi lối sống của thế hệ trẻ, bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa. Chế độ ăn uống không lành mạnh càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Bác sĩ Zhou nhấn mạnh rằng, để biết mình có mắc bệnh tiểu đường hay không, bạn cần chú ý đến 5 chỉ số sau:
- Đường huyết: Lượng đường glucose trong máu sau khi chuyển hóa thức ăn.
- Đường huyết lúc đói: Mức đường huyết sau khi nhịn ăn ít nhất 8 giờ, đây là chỉ số kiểm tra phổ biến nhất.
- HbA1c: Phản ánh mức kiểm soát đường huyết trong 3-4 tháng qua.
- Insulin: Hormone do tuyến tụy sản xuất, giúp đưa glucose trong máu vào tế bào để cung cấp năng lượng.
- Kháng insulin: Tình trạng tế bào kém đáp ứng với insulin, khiến đường huyết không thể vào tế bào, lâu dần dẫn đến tiểu đường.
Bác sĩ Zhou cho biết, phát hiện sớm bệnh tiểu đường sẽ giúp cải thiện hiệu quả điều trị. Vì vậy, bạn cần chú ý đến 5 triệu chứng sau:
- Da đen vùng nách, cổ: Đây là dấu hiệu của kháng insulin.
- 3 dấu hiệu điển hình: Ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều. Đường huyết tăng cao khiến cơ thể đào thải đường và nước nhiều, gây khát.
- Mệt mỏi: Đường huyết cao khiến cơ thể thiếu năng lượng.
- Sụt cân nhanh: Tình trạng mất nước do đường huyết cao khiến cân nặng giảm nhanh.
- Vết thương lâu lành: Đường huyết cao làm giảm khả năng chữa lành vết thương của tế bào miễn dịch.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bác sĩ Zhou khuyên mọi người nên thay đổi lối sống và thói quen ăn uống. Dưới đây là một số gợi ý:
- Thay đồ uống có đường bằng trà không đường.
- Giảm tiêu thụ đồ ăn chế biến sẵn.
- Đi bộ thong thả khoảng 15-20 phút sau bữa ăn.
- Uống ít nhất 2000ml nước mỗi ngày.
- Xác định và giải quyết các nguyên nhân gây stress.
- Ưu tiên thực phẩm giàu protein.
- Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, thực phẩm nguyên hạt và tăng cường chất xơ.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút, 5 lần/tuần.
- Tìm kiếm các hình thức vận động phù hợp như chạy bộ, đạp xe, bơi lội.
- Tìm cách thư giãn như thiền, hát.