Đường phố Hà Nội ngập chìm trong khói bụi. Ảnh: Như Ý
Theo WHO, Việt Nam là quốc gia ô nhiễm không khí thứ hai trong khu vực Đông Nam Á và thứ 22 trên toàn thế giới. Thủ đô Hà Nội - thành phố ô nhiễm không khí nghiêm trọng của nước ta, xếp thứ 8 về mức độ ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Trung bình mỗi năm, người Hà Nội hít thở một lượng bụi mịn PM2.5 cao gấp 9 lần mức khuyến cáo an toàn cho sức khỏe của WHO. Loại bụi này được coi là tử thần trong không khí, gây ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe người dân.
Số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và trung bình năm ở Thủ đô vượt quy chuẩn Việt Nam và gấp nhiều khuyến nghị của WHO. Hầu hết các quận nội thành và các huyện ở ngoại ô đều ghi nhận ô nhiễm bụi mịn, tập trung chủ yếu vào mùa đông khi điều kiện thời tiết bất lợi khiến bụi không thể khuếch tán.
Theo TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, trung bình cứ mỗi 7,5 phút lại có một người Việt Nam tử vong vì một căn bệnh do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm, ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí ở Việt Nam. “Con số này gần gấp đôi tổng số người tử vong ở Việt Nam trong suốt đại dịch COVID - 19. Vì vậy, chúng ta cần đối xử với ô nhiễm không khí như cách chúng ta đã đối xử với COVID-19 - coi đó như một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng”, TS Angela Pratt nói trong Ngày Môi trường Thế giới năm nay.
Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, ô nhiễm không khí không chỉ tác động đến sức khoẻ con người. Ước tính thiệt hại về kinh tế - xã hội do ô nhiễm không khí ở Việt Nam lên đến hơn 13 tỷ USD mỗi năm, chưa bao gồm chi phí xử lý trong tương lai. Con số này tương đương với 4% GDP của đất nước.
Khí thải bụi đường là thủ phạm lớn
Theo TS Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO, để giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí đến sức khoẻ mọi người cần hành động ở nhiều mức độ khác nhau. Trong ngắn hạn, cần làm mọi thứ có thể để bảo vệ những người bị phơi nhiễm nhiều nhất và những người có nguy cơ nhất. Trong trung và dài hạn, cần giảm thiểu nguồn ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch, công nghiệp, đốt rác và đốt rơm rạ sau mùa vụ.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội được đánh giá tác động đến sức khoẻ của tất cả người dân. Tuy nhiên, người già, trẻ em, những người mắc bệnh về hô hấp, tim mạch là đối tượng chịu tổn thương nghiêm trọng hơn.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội dẫn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2021 cho thấy, nguồn phát thải bụi chính của Thủ đô đến từ các phương tiện giao thông đường bộ và nguồn bụi đường, tiếp đến là nguồn công nghiệp và nguồn đốt rơm rạ. UNDP cho rằng, giao thông, xây dựng, hoạt động trong ngành công nghiệp và nông nghiệp góp phần lớn gây ra ô nhiễm không khí. Ngoài ra, còn có khí thải từ làng nghề, khói của quá trình đốt rơm rạ tàn phá môi trường không khí.
Để cải thiện chất lượng không khí Thủ đô, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến 2035, nêu các chương trình ưu tiên hành động như rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý chất lượng không khí; giảm phát thải từ các nguồn chính từ giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp.