Đây là trường hợp được các bác sĩ chia sẻ trên chuyên san New England Journal of Medicine. Danh tính của nam sinh không được tiết lộ mà cậu chỉ được gọi với biệt danh là JC. Theo báo cáo, chàng trai đã được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ em (PICU) của Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Boston.
Được biết, trước đó, một người bạn cùng phòng với JC đã đến nhà hàng mua một món thịt gà và súp về ăn. Vì ăn không hết nên các món này được cất vào tủ lạnh. Đến hôm sau, JC đã mang ra ăn. Ngay sau đó, cậu cảm thấy đau bụng và da chuyển sang màu tím.
Khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ phát hiện JC bị sốt cao, nhịp tim lên đến 166 nhịp/phút. Sau khi JC nôn, các bác sĩ nhận thấy "màu vàng xanh, trông không giống với bất kỳ loại thực phẩm cụ thể nào". Tuy nhiên, nhịp thở bất thường và huyết áp của JC giảm mới là mối quan tâm lớn hơn (nhịp tim rất cao vì ở người bình thường, nhịp tim sẽ dao động từ 60 đến 100 nhịp/phút). Khi được dùng thuốc an thần, có những thay đổi trên da của JC.
Bệnh nhân đã bị suy nội tạng, sốc và nổi mẩn da sau khi ăn thức ăn thừa. Ảnh trên Tạp chí Y học New England
Bác sĩ Bernard Hsu, người đã chia sẻ trường hợp của JC trên YouTube ngày 16/2, giải thích: "Các bác sĩ bắt đầu nhận thấy phát ban có các nốt nhỏ nổi lên khắp cơ thể anh ấy. Ban đầu, vết đốm này trông giống như vết bầm tím, nhưng sau đó chúng trở thành màu nâu đỏ đậm, các cạnh có màu đỏ".
Vì bệnh tình của JC quá nặng nên sau khi được tiêm thuốc an thần, anh được trực thăng đưa đến một bệnh viện khác để tiếp tục điều trị.
Kết quả xét nghiệm cho thấy máu JC bị nhiễm một loại vi khuẩn có tên là neisseria meningitidis. Đây là tác nhân gây viêm màng não mô cầu. Tuy nhiên, bệnh tình của JC không chỉ là viêm màng não mà còn nặng hơn. Anh bị cứng cổ, buồn nôn, suy hô hấp, sốc và suy đa cơ quan.
Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tình trạng này, còn được gọi là bệnh não mô cầu, là do vi khuẩn gây ra, với các triệu chứng như sốt đột ngột và nôn mửa. Nó cũng có thể "dẫn đến tử vong chỉ trong vài giờ".
Bác sĩ phát hiện JC cũng bị ban xuất huyết tối cấp. Tình trạng này khiến các cục máu đông nhỏ xuất hiện khắp cơ thể bệnh nhân. Ở các mạch máu nhỏ, chúng ngăn chặn máu lưu thông. Hậu quả là khiến bàn tay, bàn chân bắt đầu thiếu oxy và lạnh dần. Nếu kéo dài, các mô không nhận được oxy và dinh dưỡng từ máu sẽ bị hoại tử.
Bệnh tình cũng khiến anh JC bị suy thận. Tất cả biến chứng này xuất hiện chỉ 24 giờ sau khi ăn.
Bằng nhiều nỗ lực, bác sĩ đã cứu sống JC. Mặc dù sau đó sức khỏe đã ổn định nhưng tình trạng nhiễm trùng trên cơ thể của JC nghiêm trọng đến mức anh phải cắt cụt 10 ngón tay và cả 2 chân để bảo toàn tính mạng.
Đôi khi, mọi người không nhận ra rằng thực phẩm có thể nguy hiểm như thế nào
Tương tự như JC, người bạn cùng phòng của anh cũng ăn thức ăn thừa để trong tủ lạnh nhưng không phản ứng nặng nề như vậy. Các bác sĩ sau đó đã nghiên cứu thêm về bệnh sử của JC để xem sự khác biệt của anh với bạn cùng phòng.
Họ được biết rằng JC chỉ được tiêm liều đầu tiên của vắc-xin viêm não mô cầu ngay trước khi cậu ấy bước vào trường trung học cơ sở. Và khi đến tuổi 16, JC đã không tiêm liều nhắc lại theo khuyến cáo. May mắn thay, JC đang hồi phục và tình trạng của anh ấy đang được cải thiện.
Theo ghi nhận của WebMD, vi khuẩn neisseria meningitidis có thể nhanh chóng phát triển trên thức ăn thừa khi được bảo quản ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên, không rõ JC đã giữ bữa ăn của mình ở đâu trước khi ăn.
Các chuyên gia y tế lưu ý rằng, thực phẩm nên được cho vào tủ lạnh hoặc tủ đông trong vòng hai giờ sau khi nó được nấu chín. Còn theo Mayo Clinic, tùy từng loại thực phẩm nhưng thức ăn thừa chỉ nên giữ trong tủ lạnh không quá 3-4 ngày.
Theo Nypost, Independent