Bệnh viện Bãi Cháy vừa tiếp nhận bệnh nhân là học sinh lớp 9. Người bệnh Vương Huy T A (15 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) bị đau bụng thượng vị hai ngày. Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng đau bụng thượng vị đột ngột, dữ dội, liên tục.
Hình ảnh CT ổ bụng có khí tự do ổ bụng. Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa thống nhất chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng và chỉ định mổ nội soi cấp cứu khâu lỗ thủng của dạ dày.
Bác sĩ CKI. Nguyễn Thanh Hưng thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật thủng tạng rỗng.
Quá trình phẫu thuật nội soi người bệnh được khâu lỗ thủng mặt trước tiền môn vị dạ dày, lau rửa sạch dịch bẩn, dẫn lưu ổ bụng. Sau 5 ngày phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt và được xuất viện.
Theo thông tin từ gia đình, bệnh nhân là học sinh lớp 9 đang ở giai đoạn chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp trung học cơ sở nên phải học thêm nhiều ngày trong tuần, ăn muộn, thức khuya. Bên cạnh đó, bệnh nhân rất thích và thường xuyên ăn thức ăn chua cay, nóng như mỳ ăn liền, xoài, cóc dầm…
Bác sĩ CKI. Nguyễn Thanh Hưng cho biết: “Có nhiều nguyên nhân gây thủng tạng rỗng như, thủng dạ dày, chấn thương bụng, dị vật đường tiêu hóa, vỡ khối u, viêm ruột hoại tử,… thường gặp nhất là biến chứng ổ loét dạ dày – tá tràng. Thủng tạng rỗng nếu không được chẩn đoán, xử trí sớm sẽ dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh như viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nhiễm độc ổ bụng, suy đa tạng…
Trong thủng tạng rỗng thường gặp ở nam nhiền hơn nữ. Bệnh thường gặp nhiều ở nam giới tuổi từ 35 – 65 nhưng nhiều nhất là từ 30 – 40 tuổi. Nếu phẫu thuật muộn thì tỷ lệ tử vong từ 2,5 - 10%, ở bệnh nhân già yếu tỷ lệ tử vong cao hơn.
Hiện nay, thủng tạng rỗng đang có xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh do stress, áp lực học tập và lao động, thói quen thức khuya, ăn uống thiếu khoa học (ăn không đúng giờ, ăn nhiều đồ chua, cay…) gây nên các ổ viêm loét dạ dày – tá tràng biến chứng dẫn đến thủng tạng rỗng rất nguy hiểm”.
Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo: Khi có các dấu hiệu đau bụng thượng vị, ợ hơi, ợ chua … người bệnh cần phải đến cơ sở y tế thăm khám để phát hiện sớm bệnh lý viêm dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng, để điều trị tránh biến chứng nguy hiểm như thủng ổ loét, chảy máu dạ dày, ung thư...
Người trẻ tuổi cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, học tập và lao động điều độ, xây dựng chế độ ăn nghỉ khoa học, đúng giờ, hạn chế ăn muộn, thức đêm, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện, điều trị các chứng bệnh liên quan đến viêm loét dạ dày.