Nhiều người trẻ có tư tưởng thoái mái về tình dục nhưng lại vẫn không biết hoặc cố tình không sử dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho bản thân khi quan hệ.
Bác sĩ tiết niệu người Đài Loan Gao Weitang gần đây đã chia sẻ trên chương trình y tế "Doctor is Hot" về một nam sinh viên mắc bệnh lậu do quan hệ tình dục không an toàn. Sau 1 thời gian ngắn điều trị, bệnh nhân đã khỏi nhưng đột nhiên lại thấy mắt bị ngứa và tiết dịch mủ trắng liên tục giống như khi dịch ở "cậu nhỏ" lúc mắc bệnh lậu.
Nhận thấy bệnh nhân lo lắng như vậy, bác sĩ Gao Weitang đã giới thiệu nam thanh niên đến bác sĩ nhãn khoa làm kiểm tra. Kết quả phát hiện dịch tiết ở mắt của nam bệnh nhân giống như dịch tiết của bệnh lậu, khẳng định nam thanh niên đã mắc bệnh lậu ở mắt.
Nam sinh viên bị ngứa và chảy mủ ở mắt, được chẩn đoán mắc bệnh lậu. (Ảnh minh họa)
Để biết lý do tại sao bệnh lậu từ bên dưới lại lây lên trên, bác sĩ hỏi nam bệnh nhân: "Có phải cậu đã gãi phía dưới rồi dụi mắt không?". Nam thanh niên nhanh chóng phủ nhận và khẳng định bản thân là người sạch sẽ, một ngày còn phải rửa mặt 3 lần. Ngay cả lúc mắc bệnh lậu, anh cũng vẫn chăm chỉ vệ sinh "vùng riêng tư" bằng xà phòng rồi lấy khăn tắm lau khô.
Câu nói này của nam thanh niên khiến bác sĩ Gao Weitang chợt nảy ra suy nghĩ liền hỏi: "Khăn tắm đó cậu có dùng lau mặt không?", nam sinh viên trả lời dứt khoát rằng có dùng khăn đó để lau tóc, cơ thể và mặt sau khi tắm.
Bác sĩ Gao Weitang suy đoán rằng đây chính là nguyên nhân khiến bệnh lậu lây truyền lên mắt. Bác sĩ cũng giải thích rằng xà phòng chỉ là một chất hóa học và không có chức năng diệt khuẩn, dù đã vệ sinh sạch sẽ thì vẫn tiềm ẩn mối nguy hiểm nên phải hết sức cẩn thận.
Bệnh lậu là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến, là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Các triệu chứng chính của bệnh lậu ở nam giới là chảy mủ ở lỗ niệu đạo và đau khi đi tiểu đau; tăng tiết dịch âm đạo ở phụ nữ.
Nam sinh viên đại học dùng khăn lau cả bộ phận sinh dục và mặt, đầu tóc nên khiến vi khuẩn lậu lây lan lên cả mắt. (Ảnh minh họa)
Bệnh lậu có thể xảy ra ở các bộ phận nào
Bệnh lậu là bệnh tình dục nên con đường lây truyền phổ biến nhất là thông qua quan hệ tình dục. Do đó các cơ quan sinh dục là nơi dễ nhiễm bệnh lậu nhất. Tuy nhiên, vi khuẩn lậu Neisseria gonorrhoeae rất ưa thích những nơi ẩm ướt và ấm nóng trên cơ thể người, cho nên ngoài bộ phận sinh dục, chúng còn có thể xuất hiện ở các bộ phận khác như mắt, miệng, vòm họng hoặc hậu môn.
Bệnh lậu ở miệng
Bệnh lậu ở miệng có thể lây lan qua việc hôn hoặc quan hệ tình dục bằng miệng (oral sex) với người nhiễm bệnh. Một số triệu chứng bệnh lậu giai đoạn đầu ở miệng như:
- Viêm amidan.
- Viêm họng cấp: Ngứa họng, đau họng, đỏ họng.
- Trong khoang miệng có xuất hiện các vết loét như nốt nhiệt miệng.
- Ở cổ có cục hạch sưng lên.
- Đôi khi còn có hiện tượng sốt.
Nếu để bệnh lậu mủ hay lậu miệng chuyển sang giai đoạn mãn tính, chúng sẽ để lại rất nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh như lở loét, gây vô sinh, chảy máu, viêm cổ họng thậm chí còn nguy hiểm hơn là nhiễm khuẩn vào máu.
Bệnh lậu ở hậu môn - trực tràng
Nhiễm trùng hậu môn - trực tràng do lậu mủ có tỷ lệ khoảng 35 - 50% xuất hiện ở phụ nữ bị viêm cổ tử cung do lậu và đặc biệt là thường gặp ở những người quan hệ tình dục đồng tính nam. Những biểu hiện bệnh lậu ở hậu môn bao gồm:
- Ngứa ngáy hậu môn.
- Hậu môn tiết dịch mủ nhầy nhưng người bệnh sẽ không có cảm giác đau đớn gì. Khi đi khám, bác sĩ soi hậu môn sẽ thấy sưng đỏ và phù nề.
- Thỉnh thoảng bị chảy máu trực tràng.
- Hiện tượng viêm trực tràng: mót rặn, đau đớn, tiêu chảy, táo bón, đi nặng ra mủ hoặc dịch nhầy…
Bệnh lậu ở mắt
Bệnh lậu ở mắt thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh do bị lây truyền từ mẹ sang con, những người bị nhiễm bệnh lậu mủ từ cơ quan khác sang mắt, hoặc những trường hợp dùng chung khăn mặt với người bệnh. Những triệu chứng bệnh lậu ở mắt thường xuất hiện từ sau một ngày đến một tháng sau khi bị nhiễm bệnh:
- Chảy nhiều nước mắt, dần chuyển sang chảy dịch mủ màu xanh lá cây, màu vàng hoặc màu trắng theo thời gian.
- Suy giảm độ nhạy với ánh sáng.
- Sưng khu vực xung quanh mắt.
- Khó khăn trong việc mở mắt do đóng vảy.
- Đau mắt.
- Đỏ xung huyết ở khu vực trong và xung quanh mắt.
Trên thực tế, bệnh lậu ở mắt khá hiếm gặp, đặc biệt là ở người lớn, do đó các triệu chứng của bệnh lậu có thể không được chẩn đoán chính xác cho đến khi các biến chứng nghiêm trọng hơn xảy ra. Người bệnh có thể viêm nhiễm và tổn thương giác mạc, bao gồm sẹo và loét, có thể dẫn đến mất thị lực một phần hoặc toàn bộ.