Nam thanh niên phải cắt tinh hoàn vì bị đau nhưng không đi khám

Trước khi nhập viện vài ngày, đột nhiên nam thanh niên... xuất hiện cơn đau dữ dội ở tinh hoàn trái sau đó bệnh nhân thấy đỡ đau hơn nên chủ quan không đi khám.
Chia sẻ

Theo BS Nguyễn Hoài Bắc, trong những ngày gần đây, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội liên tiếp ghi nhận các trường hợp mổ cấp cứu do xoắn tinh hoàn. Đáng chú ý là các bệnh nhân này đều trong lứa tuổi thanh thiếu niên và đến khám khi đã qua thời điểm vàng để cứu sống tinh hoàn.

Nam thanh niên phải cắt tinh hoàn vì bị đau nhưng không đi khám - 1

(Ảnh minh họa).

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam, 16 tuổi, cách vào viện một ngày đột nhiên xuất hiện cơn đau dữ dội ở tinh hoàn trái. Sau đó bệnh nhân thấy đỡ đau hơn nên chủ quan không đi khám. Đến khi đi khám thì tinh hoàn đã bắt đầu có dấu hiệu hoại tử trên siêu âm và xét nghiệm. Mặc dù đã được chỉ định mổ cấp cứu nhưng các tổn thương tinh hoàn tiên lượng không hồi phục được và bắt buộc cắt tinh hoàn trái.

Trường hợp thứ hai là một thanh niên, 18 tuổi, đau dữ dội tinh hoàn trái lúc nửa đêm. Do ngại đi khám cấp cứu, mãi đến sáng sớm hôm sau bệnh nhân mới nhập viện. May mắn ngay trong quá trình thăm khám lâm sàng, các bác sĩ của khoa Nam học và Y học giới tính - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã kịp thời phát hiện tình trạng xoắn tinh hoàn và chỉ định mổ cấp cứu. Chính vì được mổ sớm và kịp thời, nên mới cứu sống được tinh hoàn của bệnh nhân.  

Theo các bác sĩ, đau tinh hoàn cấp tính là một triệu chứng khá phổ biến và điển hình ở nam giới. Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng này là do xoắn tinh hoàn. Tuy nhiên, chính sự chủ quan và tâm lý e ngại của bệnh nhân cũng như các bậc phụ huynh lại dẫn đến chậm trễ trong việc điều trị. Hậu quả cuối cùng dẫn đến hoại tử và phải cắt tinh hoàn. Vậy xoắn tinh hoàn là gì? Và phải làm gì khi có triệu chứng đau tức tinh hoàn cấp tính? 

Tinh hoàn được nuôi dưỡng bởi các mạch máu chạy trong thừng tinh. Hiện tượng xoắn xảy ra khi tinh hoàn xoay quanh trục dẫn đến thiếu máu cấp tính. Bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, tuy nhiên xoắn tinh hoàn chủ yếu gặp ở hai lứa tuổi chính là sơ sinh và tuổi dậy thì, đặc biệt là trước 18 tuổi. Triệu chứng chủ yếu của xoắn tinh hoàn là đau tức đột ngột, dữ dội, cấp tính ở tinh hoàn bên bị xoắn. Quan sát bằng mắt có thể thấy tinh hoàn xoay trục nằm ngang và ở vị trí cao hơn so với bình thường. Một đặc điểm đáng chú ý nữa là bệnh nhân thường cảm thấy đau dữ dội hơn khi dùng tay nâng tinh hoàn bên đau. Đây là một dấu hiệu có ý nghĩa để chẩn đoán phân biệt xoắn với viêm tinh hoàn. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh nhân chỉ đau tức âm ỉ dẫn đến tâm lý chủ quan ngại thăm khám.

Nếu không can thiệp kịp thời, các tổn thương không hồi phục về cấu trúc và chức năng tinh hoàn sẽ bắt đầu xuất hiện sau 4-8 giờ.

Do đó, đối với bệnh nhân xoắn tinh hoàn, thời gian là vàng. Khả năng “cứu sống” tinh hoàn khá cao đối với các bệnh nhân đến sớm trước 6 giờ, lên đến 90-100%. Tỷ lệ bảo tồn thành công tinh hoàn giảm xuống dưới 50% nếu bệnh nhân đến sau 12 giờ và đặc biệt dưới 10% nếu bệnh nhân đến sau 24 giờ.   

Mất một bên tinh hoàn tuy ít tác động trực tiếp đến sức khỏe chung của cơ thể nhưng có thể ảnh hưởng nặng nề lên sức khỏe sinh sản và tình dục. Bên cạnh đó, việc chỉ còn một bên tinh hoàn ảnh hưởng lớn đến tâm lý của bệnh nhân, đặc biệt là ở người trẻ. 

Vì vậy, người bệnh cần hết sức cảnh giác, không nên chủ quan khi thấy dấu hiệu bất thường ở vùng tinh hoàn, đặc biệt là các cơn đau có tính chất cấp tính để tránh những hậu quả đáng tiếc về sau. Phải đi khám ngay nếu có các dấu hiệu gợi ý xoắn tinh hoàn. Bên cạnh đó cũng cần lựa chọn cơ sở uy tín, có chuyên khoa Nam học để được thăm khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.