Trao đổi với chúng tôi, TS. BS Trịnh Thị Bích Huyền (Viện Sức khỏe Tâm thần BV Bạch Mai) cho hay, trong những năm trở lại đây số trẻ vị thành niên, thiếu niên nghiện trò chơi, mạng xã hội có xu hướng tăng đột biến. Chuyên gia này nhận định đó chính là hệ lụy từ sự phát triển lớn mạnh của khoa học công nghệ, mạng Internet.
Chuyên gia nói về tình trạng lạm dụng mạng xã hội của giới trẻ
Theo TS Huyền, song song với các trò chơi game online, mạng xã hội như Facebook, Zalo thì trong những năm gần đây, sự phát triển chóng mặt của ứng dụng TikTok làm cho giới trẻ bị cuốn theo. Ứng dụng này cũng có thể "gây nghiện" vì về nguyên tắc nó cũng giống như một dạng game, làm cho mọi người bị tính hấp dẫn của nó cuốn hút.
Bệnh nhân đang được BS Huyền chăm sóc bằng tâm lý
Biểu hiện trẻ lạm dụng mạng xã hội
Đang có mặt tại Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai, phụ huynh của nam thanh niên 14 tuổi, quê ở Hà Nam, cho biết, đây là lần thứ hai đưa con trai đi gặp bác sĩ. Chị xác định lần này sẽ phải nằm điều trị dài ngày vì tình hình sức khỏe của con dấu hiệu nặng hơn.
Chị cũng cho biết, bắt đầu từ đợt dịch Covid-19 học sinh được nghỉ ở nhà để học online, bố mẹ đã mua cho con chiếc điện thoại. Ban đầu thiếu niên chỉ dùng điện thoại để học, sau đó ít ngày cậu bé bắt đầu sử dụng thuần thục, khai thác các ứng dụng. Rồi chiếc điện thoại đã trở thành "vật bất ly thân".
Dù biết được nghỉ học, nhưng cháu vẫn lấy lý do phải dùng điện thoại để làm bài tập do cô giáo gửi. Dần dần cháu lười làm việc nhà, ngủ nhiều - đó là những biểu hiện ban đầu của con được phụ huynh này chia sẻ.
Chỉ sau đó vài tháng, con trai chị bắt đầu phát bệnh với những biểu hiện rõ ràng. "Con không muốn gặp gỡ ai, không ngủ, bỏ học, luôn trong tình trạng chống lại bố mẹ và xung quanh", người mẹ cho biết. Dù đã được đưa đi khám, gia đình quản lý thường xuyên, không cho dùng điện thoại nữa nhưng cậu con trai vẫn lén lút, dùng mọi cách.
Đến dịp Tết Nguyên đán vừa qua, con trai chị đã lấy tiền mừng tuổi, tự ra cửa hàng mua điện thoại, nhờ bạn bè nạp tài khoản rồi cất giấu trong tư trang. Khi bố phát hiện con dùng điện thoại, con vẫn chối cãi. Các phần mềm hay trò chơi trong máy mỗi lần sử dụng xong đều xóa đi để giấu. Có lần chị còn thấy những hình mặt người biến dạng rất ghê tợn. Đỉnh điểm có lần con 'cuồng lên' đòi đánh lại bố mẹ.
Trong tờ cam kết gửi bác sĩ, bệnh nhân viết thuần thục từ "TikTok" và cho biết sẽ từ bỏ thói quen sử dụng phần mềm này
Trong lúc người mẹ đi ra ngoài mua cơm, thiếu niên nói trên được BS Huyền gọi vào để thăm hỏi. Cầm chiếc bút và tờ giấy để viết lời cam kết, bệnh nhi cam kết mỗi ngày chỉ dùng điện thoại 1 tiếng đồng hồ vào buổi sáng và tối, mỗi lần 30 phút.
"Cháu sẽ không chơi game, không dùng mạng xã hội (TikTok, Zalo)", thiếu niên viết thành thạo tên hai ứng dụng. Thay vào đó BS Huyền đã đưa cho cậu những cuốn truyện tuổi học trò.
Bệnh nhân được bác sĩ cho đọc những cuốn truyện thay vào thói quen sử dụng điện thoại
TikTok cũng gây nghiện như game online, dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng
TS Huyền cho biết, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc trẻ em sử dụng Internet quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần hay khả năng gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng như bị mất thông tin cá nhân, lừa đảo, bị quấy rối trên mạng, nghiện game online, xem các ấn phẩm không phù hợp... Nghiện game hay mạng xã hội đều có thể dẫn đến những hệ lụy sau này trong cuộc sống của trẻ như là: Rối loạn tâm thần, mắt kém, đau tay… nghiêm trọng hơn thì trầm cảm, chống lại người nhà.
Ngoài các thông tin sai lệch, khi sử dụng mạng xã hội, nhóm đối tượng là trẻ em cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại tình dục, bị lôi kéo tham gia những thử thách nguy hại đến tính mạng.
Nói về bệnh nhân trên, BS Huyền cho biết, đây là một trong số nhiều bệnh nhân nhập viện biểu hiện rõ rệt do nghiện game và các ứng dụng mạng xã hội, trong đó có chơi TikTok.
Theo chuyên gia tâm thần học, chơi game online dẫn đến nghiện thế nào thì việc lạm dụng các ứng dụng mạng xã hội cũng gây nghiện không kém.
Điển hình là TikTok, ứng dụng này tuy ra đời sau nhiều ứng dụng khác nhưng lại phát triển một cách chóng mặt và tùy tiện. Đặc biệt ứng dụng này đã thu hút một lượng lớn người dùng là giới trẻ.
Theo BS Huyền, phần mềm ứng dụng này quá dễ dãi, giới trẻ có thể đăng mọi thứ tùy tiện, có thể lồng ghép, biến hình. Cũng như trò chơi game online càng tăng "level" thì càng thu hút người chơi rồi dẫn đến nghiện, trong khi đó sự dễ dãi của TikTok đã khiến giới trẻ lạm dụng, đăng những thứ độc hại để tạo độ "hot" nên nhiều người "follow" dẫn đến sự "ảo tưởng".
Biện pháp giữ an toàn cho trẻ khi sử dụng TikTok
Theo các chuyên gia, một số cách để phụ huynh có thể quản lý, giám sát được con em khi giải trí bằng mạng xã hội TikTok để không bị "nghiện" bao gồm:
- Hạn chế thời gian sử dụng: Trẻ nhỏ chỉ nên truy cập mạng xã hội này trong khoảng 45 phút mỗi ngày và bố mẹ nên giám sát việc trẻ xem gì.
- Đưa ra nguyên tắc sử dụng: Nguyên tắc cộng đồng được nhà phát hành cung cấp nhằm đưa ra cái nhìn sâu sắc về ứng dụng. Bạn hãy giải thích cho con về các quy định để bé hiểu rõ hơn về những gì mà con có thể và không thể chia sẻ trên nền tảng này.
- Chuyển sang chế độ cá nhân: Mặc định ban đầu của tài khoản TikTok thường là ở chế độ công khai, nghĩa là nội dung mà con đăng có thể được tất cả mọi người xem. Tuy nhiên, bạn có thể thay đổi cài đặt này thành "Riêng tư". Tính năng này cho phép bạn quản lý những người theo dõi, bình luận hoặc thích bài viết.
- Dạy con về bắt nạt trên mạng xã hội: Nền tảng mạng xã hội là nơi mà mọi người có thể tiếp xúc với con bạn. Một số có thể để lại những bình luận gây tổn thương hoặc lời lẽ xúc phạm gây ảnh hưởng đến tâm trí con bạn. Do vậy, hãy thảo luận với con về vấn đề bắt nạt trên mạng xã hội và hướng dẫn con những điều cần làm khi gặp phải tình huống tương tự.