Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thức khuya trong thời gian dài? Trường hợp nữ sinh bị tụ máu não, co giật toàn thân, liệt chi bên phải, mất khả năng ngôn ngữ sau đây sẽ là bài học cảnh báo cho tất cả những ai đang có thói quen thức khuya.
Nữ sinh thức khuya nhưng dậy sớm
Diệp Tử là sinh viên năm 2 của một trường đại học ở Vũ Hán, Trung Quốc. Cô có thói quen thức khuya, thường đi ngủ lúc 3 – 4 giờ sáng nhưng 7 giờ đã phải thức dậy đến trường.
Ảnh minh họa.
Ngày 18/11/2021, Diệp Tử bỗng nhiên bị đau đầu dữ dội trong ký túc xá, tay phải không nhấc lên được. Cô nghĩ do mình quá mệt mỏi nên lên giường nằm nghỉ ngơi. Khoảng nửa tiếng sau đó, cô lên cơn co giật khiến mọi người trong phòng vô cùng sợ hãi. Người bạn cùng phòng nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa cô đến bệnh viện.
Tại bệnh viện gần trường, kết quả chụp CT cho thấy có một nang màng nhện cực thái dương bên phải và phù nề đỉnh thái dương trước bên trái. Sau khi nhập viện, Diệp Tử tiếp tục lên cơn co giật và sùi bọt mép. Bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản, chống động kinh, mất nước và các biện pháp điều trị khác cho Diệp Tử nhưng tình trạng vẫn không thuyên giảm. Ngay sáng sớm ngày hôm sau, cô được chuyển đến Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán.
Bác sĩ trưởng của khoa, Lưu Ngọc Dân tiến hành một loạt các cuộc kiểm tra. 1 ngày sau đó, tình trạng của Diệp Tử tiếp tục xấu đi. Kết quả chụp MRI cho thấy các tĩnh mạch cục bộ trong não bị giãn rộng. Lúc này, chi phải của cô bị liệt, mất ngôn ngữ và mất ý thức.
Bác sĩ Lưu Ngọc Dân và bác sĩ Mai Bân cho rằng, rất có thể cô đang mắc một căn bệnh nguy hiểm - huyết khối xoang tĩnh mạch nội sọ. Huyết khối này có thể gây tắc nghẽn tĩnh mạch và dịch não tủy, gây phù não. Nếu không tiến hành phẫu thuật lấy huyết khối kịp thời có khả năng gây tổn thương não vĩnh viễn, nguy hiểm đến tính mạng.
Sau khi biết về tình trạng của con gái, cha mẹ của Diệp Tử tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ và đồng ý để con gái phẫu thuật loại bỏ huyết khối.
Ca phẫu thuật thành công, việc phục hồi chức năng giúp Diệp Tử trở lại bình thường
Sáng sớm ngày 21/11/2021, bác sĩ Lưu Ngọc Dân khẩn trương tiến hành chụp não và phẫu thuật lấy huyết khối tĩnh mạch cho Diệp Tử. Sau 4 tiếng phẫu thuật, mọi thứ diễn ra tốt đẹp.
Sau đó, Diệp Tử tiếp tục được điều trị và phòng ngừa các biến chứng. Sau khi thoát khỏi cơn nguy hiểm, cô được chuyển qua khoa hồi phục chức năng thần kinh. Tại đây, bác sĩ từng bước hồi phục khả năng ngôn ngữ và cử động tay chân bên phải của cô.
Theo lời của Lưu Hi, bác sĩ phụ trách chăm sóc Diệp Tử: “Quá trình hồi phục không hề dễ dàng nhưng bệnh nhân có ý chí mạnh mẽ, luôn hợp tác tích cực và rất lạc quan”.
Vào ngày thứ 4 sau ca mổ, Diệp Tử đã có thể nói những từ đơn giản, nửa tháng sau đó, cô đã có thể tự đi lại.
Sau khi được chuyển đến khoa ngoại tổng quát, đến tuần thứ 3 sau ca mổ, Diệp Tử đã có thể tự đứng và nói chuyện trôi chảy hơn. Đến tuần thứ 4, cô đi lại được trong phòng vài vòng với sự giúp đỡ của y tá.
Bố của Diệp Tử nghẹn ngào nói: "Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được rằng, con gái mình có thể hồi phục đến mức này".
Giữa tháng 12 năm ngoái, Diệp Tử xuất viện.
Vào ngày 15/2/2022, Diệp Tử đã quay trở lại Bệnh viện Trung Nam để kiểm tra lại, tình trạng tốt hơn trước rất nhiều.
Diệp Tử cùng cha mẹ đến khoa Thần kinh đã thăm các y bác sĩ đã từng cứu giúp mình. Cô nói: “Mọi người không chỉ chăm sóc mà còn luôn động viên, giúp đỡ để em có thể trở lại cuộc sống bình thường. Em rất biết ơn các y bác sĩ ở bệnh viện”.
Bác sĩ Lưu Ngọc Dân cho biết thêm, vì Diệp Tử luôn thức khuya, dậy sớm, không ăn sáng, đây là những yếu tố kích hoạt huyết khối xoang tĩnh mạch. Để không rơi vào trường hợp như Diệp Tử, những người trẻ nên có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, tránh thức khuya nếu không sẽ gây ra những hậu quả rất đáng tiếc.