Bị suy thận vì chủ quan với dấu hiệu cao huyết áp
Chính thức từ tháng 2/2024 đến nay, anh H.V T (SN 1990, ở Hà Nội) đã phải thực hiện lọc máu, chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần bởi vì chủ quan với dấu hiệu cao huyết áp.
Anh T. cho biết, từ tháng 8/2016, anh bắt đầu xuất hiện những cơn đau đầu liên tục. Nghĩ đây chỉ là dấu hiệu bệnh đơn giản nên chỉ mua thuốc giảm đau về uống. Tuy nhiên, triệu chứng đau đầu vẫn tiếp tục kéo dài.
Đến tháng 3/2017, anh T. đi khám sức khỏe, thực hiện xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm. Cuối cùng anh nhận kết quả suy thận độ 2, khi chỉ mới 27 tuổi.
Nguyên nhân gây suy thận của anh được bác sĩ giải thích là do huyết áp tăng cao kéo dài, cuối cùng dẫn đến biến chứng suy thận.
Ảnh minh họa
3 năm đầu sau khi phát hiện suy thận, anh duy trì thói quen sống tốt, thực đơn ăn uống lành mạnh theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên sau đó vì chủ quan, anh không thực hiện chế độ ăn dành cho người bệnh thận và bỏ qua bước kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Tình trạng của anh chuyển biến xấu dần, vì thế đến tháng 2/2024 anh T. chính thức phải thực hiện lọc máu, chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần.
Bệnh cao huyết áp tàn phá cơ thể bạn như thế nào?
Gây tổn thương động mạch
Tăng huyết áp có thể gây tổn thương các tế bào lót trong lòng động mạch. Từ đó làm cho thành động mạch trở nên dày và cứng (xơ cứng động mạch), làm giảm lưu lượng máu đến tim, thận, não, các chi. Trong quá trình tiến triển, nó gây ra: đột quỵ, những cơn đau thắt ngực, tắc động mạch ngoại biên ở chân, cánh tay, tổn thương mắt, phình vỡ động mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận…
Gây tổn thương tim
Tăng huyết áp gây hẹp động mạch vành – là động mạch nuôi tim, gây ra những cơn đau ngực, loạn nhịp tim hoặc nhồi máu cơ tim.
Tăng huyết áp còn gây phì đại tim trái do huyết áp cao buộc trái tim phải co bóp vất vả hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể. Lâu ngày, tâm thất trái dày lên và cứng lại (phì đại thất trái). Tình trạng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim và đột tử.
Ảnh minh họa
Gây tổn thương não bộ
Huyết áp cao gây thiếu máu não thoáng qua, hay "cơn đột quỵ mini". Đây là dấu hiệu cảnh báo cho bạn về những cơn đột quỵ trong tương lai.
Nguyên nhân gây đột quỵ ở người bị huyết áp cao là do một phần của não thiếu oxy và dưỡng chất dẫn đến hủy hoại tế bào não. Huyết áp cao gây hẹp lòng mạch, rò rỉ hoặc vỡ mạch máu não, hoặc tạo ra những cục máu đông trong động mạch, ngăn chặn máu tới não và gây đột quỵ.
Ngoài ra, huyết áp cao cũng gây mất trí nhớ do hẹp và tắc nghẽn động mạch cung cấp máu tới não, gây ra sự gián đoạn lưu lượng máu tới não khiến bị mất trí. Bệnh còn gây suy giảm nhận thức do lưu lượng máu tới não ít.
Gây tổn thương thận
Huyết áp cao có thể làm tổn thương cả các mạch máu dẫn đến thận: Gây suy thận vì nó làm tổn thương cả động mạch lớn dẫn đến thận và các mạch máu nhỏ trong thận.
Gây xơ hóa tiểu cầu thận: Các tiểu cầu thận bị tổn thương với những vết như sẹo, khiến thận không thể lọc máu hiệu quả, dẫn đến suy thận nặng hơn.
Phình động mạch thận: Huyết áp cao có thể dẫn đến phình động mạch thận, có thể bị vỡ và gây chảy máu trong, đe dọa tính mạng của bạn.
Gây tổn thương mắt
Huyết áp làm hỏng các mạch máu cung cấp máu cho võng mạc gây ra các bệnh lý võng mạc. Đó là chảy máu trong mắt, suy giảm thị giác, nhìn mờ cho đến mất hoàn toàn thị lực.
Tích dịch dưới võng mạc: Do một lớp mạch máu dưới võng mạc bị rò rỉ, chúng sẽ gây tình trạng tích tụ chất lỏng dưới võng mạc. Hậu quả là bạn nhìn sự vật bị méo mó. Ngoài ra khi dòng máu không đến nuôi được các tế bào thần kinh thị giác đầy đủ, chúng sẽ bị hoại tử, bạn sẽ bị chảy máu trong mắt cho tới mất nhìn.
Ngoài ra huyết áp cao còn gây suy giảm tình dục do xơ cứng mạch máu làm rối loạn cương dương ở nam, ở nữ làm giảm ham muốn; mất xương do làm tăng lượng canxi thải ra ngoài qua nước tiếu. Mức độ nặng có thể làm xương dễ bị gãy; ngưng thở khi ngủ xảy ra ở 50% số người mắc huyết áp cao.
Dấu hiệu nhận biết bệnh cao huyết áp
Ảnh minh họa
Triệu chứng tăng huyết áp thường diễn biến thầm lặng, ít khi biểu hiện rõ ràng nhưng những biến chứng mà gây ra thì rất nặng nề. Nhiều người khi đi khám một bệnh khác hoặc khám định kỳ mới phát hiện cao huyết áp, trong khi trước đó không hề nhận thấy bất kỳ dấu hiệu tăng huyết áp nào.
Một số trường hợp có thể có các triệu chứng cao huyết áp thoáng qua như nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ nhẹ,... Một số bệnh nhân khác có biểu hiện tăng huyết áp dữ dội hơn, chẳng hạn như đau nhói vùng tim, suy giảm thị lực, thở gấp, mặt đỏ bừng, da tái xanh, nôn ói, hồi hộp, đánh trống ngực, hốt hoảng.