Ông Lưu (54 tuổi) ở Trung Quốc đến bệnh viện khám vì nổi nhiều mụn nước quanh thắt lưng, đau đớn không chịu được và được chẩn đoán mắc bệnh herpes zoster (bệnh giời leo). Sau một thời gian điều trị, cơn đau đã cải thiện đáng kể và ông có thể xuất viện về nhà.
Lúc này, bác sĩ phụ trách biết được ông Lưu bị bệnh dạ dày, tái phát nhiều lần, luôn cảm thấy đầy bụng, ợ chua, chán ăn, khó chịu vùng bụng trên nên đã đề nghị nội soi dạ dày. Bác sĩ phát hiện có nhiều vết loét ở dạ dày, nghi ngờ bị ung thư.
Khi tìm hiểu về thói quen hằng ngày, bác sĩ biết được ông Lưu có thói quen rất tiết kiệm trong ăn uống. Ông thường ăn dưa muối và cất thức ăn thừa trong tủ lạnh nhiều ngày. Bác sĩ thở dài, hóa ra bệnh ung thư dạ dày của ông hình thành là do những thói quen xấu này.
2 loại thức ăn có thể gây ung thư dạ dày nếu ăn thường xuyên
- Thức ăn thừa
Nhiều người có thể đã quen với việc để những món ăn thừa của hôm trước vào tủ lạnh ngày mai hâm lại ăn tiếp. Tuy nhiên, tủ lạnh không phải là nơi bảo vệ an toàn thực phẩm, tủ lạnh chỉ ức chế sự phát triển của vi khuẩn vì nhiệt độ thấp.
Ngoài ra, khả năng nấm mốc phát triển trên thực phẩm nếu để quá lâu trong tủ lạnh khá cao, đặc biệt là trái cây và ngũ cốc. Thực phẩm bị mốc có thể sản sinh ra aflatoxin, đây là chất gây ung thư số 1 được quốc tế công nhận, dù có đun sôi nhiều lần cũng không thể tiêu diệt hoàn toàn aflatoxin.
Đồng thời, các món rau, thịt để qua đêm chứa nhiều nitrit, chất này cũng không thể bị loại bỏ hoàn toàn bằng cách đun nóng, để ăn thường xuyên dễ gây ung thư thực quản, ung thư dạ dày. Vì vậy, cả những món rau thông thường và thịt không nên bảo quản lâu trong tủ lạnh.
- Dưa chua
Muối không thể tách rời trong quá trình làm các món dưa chua. Tiêu thụ quá nhiều natri gây nguy cơ cao về bệnh tim mạch, mạch máu não và bệnh thận mãn tính.
Đặc biệt, rau củ muối chua lâu ngày, càng để lâu lượng nitrit sẽ càng sinh ra nhiều. Nitrit cũng là yếu tố dễ gây ra nhiều bệnh ung thư.
Những đối tượng nên đi nội soi dạ dày thường xuyên
Từ trường hợp của ông Lưu, có thể thấy rằng, ung thư dạ dày thường được phát hiện một cách “tình cờ”. Trong giai đoạn đầu, nó thậm chí không có bất kỳ triệu chứng nào, hoặc nói chung chỉ có khó chịu mức độ nhẹ ở dạ dày.
Hầu hết mọi người đều nghĩ khó chịu ở dạ dày là chuyện bình thường, cách giải quyết đơn giản nhất là mua thuốc giảm đau, hoặc thuốc dạ dày. Điều này khiến cho tình trạng ngày càng trở nặng hơn, khả năng cao phát hiện ung thư dạ dày khi đã bước vào giai đoạn giữa hoặc cuối.
Sau đây là những nhóm có nguy cơ cao ung thư dạ dày, cần đi nội soi sớm:
- Nam nữ trên 40 tuổi.
- Người có các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng tái phát nhiều lần, sụt cân, mệt mỏi, chán ăn...
- Người từng bị các bệnh về dạ dày như viêm hoặc loét.
- Người có tiền sử người thân trong gia đình mắc ung thư dạ dày.
- Người có chế độ làm việc và nghỉ ngơi không điều độ. Ngoài ra, những người ăn nhiều muối, hút thuốc, uống rượu cũng có nguy cơ cao.
Tóm lại, phòng bệnh luôn hơn chữa bệnh, một phần đáng kể ung thư dạ dày có thể phòng tránh được bằng cách thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt hằng ngày. Nội soi kết hợp với sinh thiết niêm mạc hiện là phương pháp chẩn đoán đáng tin cậy nhất. Xét cho cùng, việc phát hiện sớm ung thư dạ dày là vô cùng quan trọng để kéo dài thời gian sống của bệnh nhân, giảm tỷ lệ tử vong.