Bệnh nhân P.V.H (64 tuổi, quê tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào hơn 30 năm nay. Trong quá trình đi khám định kỳ, ông phát hiện khối u ở thùy dưới phổi phải. Sau đó, người bệnh được chỉ định nhập viện để làm chẩn đoán và điều trị.
Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng và sinh thiết khối u cho thấy người bệnh mắc ung thư phổi. Sau đó, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi cắt thùy dưới phổi phải, đồng thời nạo vét hạch. 07 ngày sau mổ, tình trạng người bệnh ổn định và được xuất viện.
ThS. BS Dương Văn Hiếu – Đơn nguyên can thiệp tim mạch lồng ngực, Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc), người phẫu thuật cho bệnh nhân, cho biết bệnh nhân được phẫu thuật cắt thùy phổi, nạo vét hạch bằng phương pháp nội soi hỗ trợ. Ưu điểm của phương pháp này là vết mổ nhỏ, ít đau, hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn, đem lại nhiều lợi ích lớn cho người bệnh.
Bác sĩ Hiếu đang phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân (ảnh BSCC).
Ung thư phổi - 90% liên quan tới khói thuốc lá
Trên thế giới, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số các bệnh ung thư. Riêng tại Việt Nam năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với hơn 26.000 ca mắc mới và hơn 23.000 ca tử vong.
Theo BSCKI. Phạm Sơn Tùng, Chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, có tới 90% bệnh nhân mắc ung thư thư phổi do hút thuốc lá, 4% mắc do hút thuốc lá thụ động (hít phải khói từ người hút). Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi từ 15-30 lần so với các loại ung thư khác. Ngoài ra, các nguyên nhân còn lại là do yếu tố di truyền, môi trường làm việc có nhiều khói bụi ô nhiễm.
Ung thư phổi diễn biến thầm lặng nên đa số người dân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, hiệu quả điều trị thấp, gây tốn kém chi phí và kéo dài thời gian chữa trị. Vì vậy, tầm soát ung thư định kỳ giúp phát hiện sớm các bất thường, cũng như gia tăng cơ hội chữa trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Bác sĩ Tùng khuyến cáo những đối tượng nguy cơ cao cần tầm soát ung thư phổi, cụ thể:
- Người có tiền sử hút thuốc lá: Khuyến cáo nên đi tầm soát ung thư phổi định kỳ từ sau 40 tuổi.
- Gia đình có người thân trực hệ, bố mẹ, anh, chị, em mắc ung thư phổi.
- Người ho nhiều, ho dai dẳng/có đờm, mệt mỏi, hụt hơi, sụt cân không rõ nguyên nhân…
- Người hút thuốc lá thụ động (ngửi khói thuốc lá từ người khác trong thời gian dài).
- Người làm việc trong môi trường chứa các chất độc hại (Asen, Amiang, Niken, Silica…); Phơi nhiễm với Radon.
- Người có tiền sử mắc các bệnh lý phổi mạn tính: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, xơ phổi…
- Người có tiền sử mắc ung thư khác: U lympho, ung thư bàng quang, đầu cổ… nên tầm soát ung thư phổi.