Trong lúc lái xe, một người đàn ông (ở độ tuổi 30, sống tại Scotland) đã cố gắng nhịn hắt hơi. Anh bịt mũi và ngậm miệng lại. Tuy nhiên, áp lực từ cái hắt hơi lớn đến mức đã làm rách một lỗ 2 mm trên khí quản của người đàn ông. Sau đó, anh phải nhanh chóng đến bệnh viện.
Ảnh chụp X-quang cho thấy người đàn ông bị khí phế thũng - khi không khí bị mắc kẹt trong các mô sâu nhất dưới da. Kết quả chụp CT cho thấy vết rách khí quản nằm giữa xương thứ ba và thứ tư ở cổ của người đàn ông và không khí đang tích tụ trong khoảng trống giữa hai lá phổi.
Vết rách khí quản nằm giữa xương thứ ba và thứ tư ở cổ của người đàn ông.
Người đàn ông rách họng sau khi nhịn hắt hơi.
Cổ của người đàn ông bị sưng tấy cả hai bên và anh gặp khó khăn khi cử động. Người đàn ông không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, anh phải nằm viện hai ngày để đảm bảo lượng oxy trong cơ thể luôn ổn định. Sau đó, các bác sĩ cho người đàn ông xuất viện và cho anh thuốc giảm đau cũng như thuốc hạ sốt. Vết rách sẽ lành sau 5 tuần.
Đây là trường hợp nhịn hắt hơi gây rách họng đầu tiên được biết đến. Do đó, ca bệnh đặc biệt này được mô tả trong Báo cáo Ca bệnh của tạp chí khoa học BMJ.
Theo thông tin đăng tải trên tạp chí, người đàn ông này bị viêm mũi dị ứng, một tình trạng phổ biến khiến mũi bị kích ứng bởi những thứ như phấn hoa.
Sự nguy hiểm của nhịn hắt hơi
Cố gắng nhịn hắt hơi có thể gây ra hậu quả tai hại, Tiến sĩ Rasads Nisirovs, thuộc Đại học Dundee, Scotland, cảnh báo. Ông nói thêm: "Mọi người không nên nhịn hắt hơi bằng cách bịt mũi trong khi vẫn ngậm miệng vì nó có thể dẫn đến thủng khí quản".
Viêm mũi dị ứng có thể gây hắt hơi, ngứa, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, ngứa, đỏ và chảy nước mắt, ho và ngứa vòm miệng. Hắt hơi khiến áp lực trong đường thở tăng lên.
Tiến sĩ Nisirovs cho biết: "Điều trị bảo tồn vết rách khí quản là một lựa chọn ở những bệnh nhân ổn định về mặt lâm sàng không cần thở máy, có vết rách khí quản nhỏ. Bệnh nhân phải được theo dõi chặt chẽ như bệnh nhân nội trú trong vòng 24 đến 48 giờ nếu có bất kỳ tình trạng xấu đi nào".
(Theo Mirror)