Nấu cơm vốn là công việc thường ngày của bất cứ gia đình nào. Công đoạn nấu cơm rất đơn giản, đơn giản đến nỗi người ta thường nói đùa với nhau rằng nhắm mắt cũng nấu được cơm (tất nhiên chúng ta không bàn đến chuyện nấu cơm có ngon, đạt yêu cầu hay không). Thế nhưng, trong thực tế, nấu cơm muốn vừa ngon, vừa đảm bảo dinh dưỡng có trong cơm gạo thì rất nhiều người hiện nay chưa thực hiện đúng và thường sai ngay ở công đoạn vo gạo.
Trong thực tế, nấu cơm muốn vừa ngon, vừa đảm bảo dinh dưỡng có trong cơm gạo thì rất nhiều người hiện nay chưa thực hiện đúng và thường sai ngay ở công đoạn vo gạo
Ai cũng biết, trước khi nấu cơm, bạn cần vo gạo . Có một thực tế là rất nhiều chị em vẫn luôn chuộng cơm gạo phải trắng tinh nhìn trông mới thẩm mỹ, mới sạch sẽ... Đó là theo mắt nhìn của một bộ phận luôn thích vo gạo thật kỹ. Có những người vo gạo 2 lần, 3 lần... thậm chí thấy nước gạo vẫn trắng đục chưa ưng ý phải vo đến khi nước trong trong mới thôi.
Thành quả sau đó bạn nhận được là bát cơm trắng phau, trông đúng là rất thẩm mỹ, rất đẹp, hiện lên cạnh những món ăn khác trên bàn ăn. Cơm gạo trắng muốt nổi bần bật, nhiều người có khi lại tấm tắc tự mãn trình nấu cơm của mình.
Thế nhưng, trong thực tế, vo gạo quá kỹ trước khi nấu cơm lại chẳng giúp cơ thể bạn được lợi lộc gì thêm. Chưa kể, một số chất dinh dưỡng còn theo nước mà trôi chảy mất.
Vo gạo quá kỹ trước khi nấu cơm lại chẳng giúp cơ thể bạn được lợi lộc gì thêm
Vo gạo quá kỹ khiến cơm ăn bị hao hụt dinh dưỡng
Theo ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198), vo gạo quá kỹ trước khi nấu cơm là hành động khiến cơm gạo mất chất, hao hụt dinh dưỡng. Ai cũng nghĩ cơm gạo cung cấp tinh bột nhưng chỉ bấy nhiêu thôi là chưa đủ.
BS Tường Vi nhận định, gạo chứa rất nhiều vitamin nhóm B như B1, B3, B6. Bên cạnh đó, lớp ngoài của hạt gạo còn chứa các khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể như magie, sắt, kẽm... Bên ngoài hạt gạo cũng chứa một lượng chất xơ đáng kể, cần thiết cho cơ thể.
"Chất xơ trong cơm gạo không chỉ có tác dụng chống táo bón, giúp nhuận tràng, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn mà còn làm chậm quá trình đường chuyển vào máu, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường", BS Vi cho hay.
Chất xơ trong cơm gạo không chỉ có tác dụng chống táo bón, giúp nhuận tràng, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn mà còn làm chậm quá trình đường chuyển vào máu
Nếu bạn vo gạo quá kỹ, hàm lượng chất xơ, vitamin, khoáng chất chủ yếu ở bên ngoài hạt gạo sẽ bị hao hụt, theo nước mà trôi đi vô cùng uổng phí. Hành động vo gạo quá kỹ không chỉ khiến chúng ta mất nhiều thời gian hơn mà còn làm lượng dinh dưỡng hao hụt nhiều hơn. Đổi lại, bạn có một bát cơm trắng tinh, thật là ưng cái mắt và... thế là hết!
Ăn cơm từ gạo được vo quá kỹ dễ đối mặt nguy cơ tăng cân, béo phì
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia), cơm (gạo) cung cấp chất bột đường, vitamin và các khoáng chất, bổ sung năng lượng cho cơ thể. Trong đó, ngoài các vitamin nhóm B (B1, B3, B6) và chất xơ, gạo còn có vitamin E, sắt, kẽm, thậm chí omega 3.
Điều đáng nói, những chất dinh dưỡng này có rất nhiều ở bên ngoài hạt gạo. Hành động vo gạo quá kỹ, chắt hết phần nước đục sẽ vô tình rửa trôi những chất dinh dưỡng này. Cơm gạo trắng càng đẹp mắt thì càng chứng tỏ gạo chế biến càng tinh, lượng xenlulo càng giảm.
Hành động vo gạo quá kỹ, chắt hết phần nước đục sẽ vô tình rửa trôi những chất dinh dưỡng này
"Ăn loại cơm này khó tạo cảm giác no bụng nên lượng thức ăn đưa vào cơ thể tăng cao, lượng cơm cũng có thể được tăng thêm. Lúc này, bạn có nguy cơ bị thừa cân, béo phì", chuyên gia khẳng định.
Chưa dừng lại ở đó, hấp thụ quá nhiều tinh bột từ gạo trắng cũng có nguy cơ dẫn đến tiểu đường, bệnh phù thũng, tăng huyết áp.
Lưu ý khi vo gạo để không làm mất chất dinh dưỡng
Theo giới chuyên gia, mục đích của việc vo gạo là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn cho gạo, loại bỏ chất bẩn, độc hại có thể bám trên gạo chứ không phải đánh bóng trắng tinh từng hạt gạo dưới vòi nước. Bạn chỉ cần đảm bảo vo gạo theo những lưu ý sau là yên tâm cơm gạo ngon, không bị hao hụt chất dinh dưỡng lại chẳng lo bệnh tật:
Mục đích của việc vo gạo là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn cho gạo, loại bỏ chất bẩn, độc hại có thể bám trên gạo chứ không phải đánh bóng trắng tinh từng hạt gạo dưới vòi nước
- Vo gạo tối đa 2 lần. Trong khi vo nên nhẹ tay và đổ nước vo gạo ra ngoài. Chỉ nên rửa gạo, khuấy nhẹ tay, gạn nước để loại trừ sâu, sạn. Không nên vo ngâm gạo quá lâu trong nước vì gạo có thể bị mất các chất dinh dưỡng cần thiết. Không nên bóp mạnh gạo vì có thể làm gãy hạt gạo cơm sẽ không ngon cũng như tránh bị mất chất dinh dưỡng.
- Không sử dụng gạo được xay xát quá trắng.
- Nên vo gạo trong nồi để giảm tải nguy cơ hao hụt dinh dưỡng.
- Khi nấu nên dùng nước sôi để nấu thay nước lạnh để tránh tối đa khả năng bị hao hụt dinh dưỡng.