Là một tài xế, ông Zheng (ngoài 40 tuổi, sống tại Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, vì đặc thù công việc khiến mình có khá nhiều thói quen xấu. Ngoài ngồi lâu một chỗ, ăn uống thất thường… thì ông thường xuyên nhịn tiểu. Thậm chí, ông còn cố gắng uống ít nước nhất có trong thời gian làm việc để tránh phải đi tiểu nhiều. Tuy nhiên, ông không hề hay rằng chính thói xấu này đã khiến ông trải qua một dịp “thập tử nhất sinh” vì sốc nhiễm trùng.
Ông Zheng không ngờ thói quen nhịn tiểu nhiều năm có thể khiến mình suýt mất mạng (Ảnh minh họa)
Buổi tối hôm đó, ông Zheng nhận một cuốc xe chở khách từ ngoại thành vào trung tâm thành phố với khoảng cách khá xa. Bởi vì cuối tuần nên ông cũng vô cùng bận rộn, cả ngày chưa được ăn uống tử tế. Mỗi lần thấy bụng cồn cào, ông lại cắn răng uống vài ngụm nước lọc để chịu đựng. Trong lòng ông Zheng dự tính chở nốt chuyến này sẽ nghỉ sớm hơn mọi ngày và về ăn cơm với vợ con.
Tuy nhiên người tính không bằng trời tính, trời mưa và tắc đường nên ông đón khách bị muộn. Khi chở khách thì tắc đường ngày càng nghiêm trọng do gặp tai nạn giao thông, mấy giờ đồng hồ trôi qua vẫn chưa ra khỏi cao tốc. Người khách thấy ông Zheng có vẻ sốt ruột, liên tục bấm còi nên cũng tử tế trấn an. Nhưng khi chạm vào ông Zheng thì phát hiện cơ thể ông nóng bừng. Người này công tác trong ngành y tế nên vội vã kiểm tra cho ông Zheng. Sau khi nhận thấy ông bị sốt cao, nhịp tim không ổn định liền gọi xe cấp cứu đưa ông tới bệnh viện.
“Tình hình tắc đường cũng khiến đội ngũ y tế gặp nhiều khó khăn. Đến khi tiếp cận được thì bệnh nhân đã gần như rơi vào trạng thái hôn mê, sốt cao tới 40 độ C, có các dấu hiệu do sốc nhiễm trùng nguy hiểm tính mạng.
May mắn là sau nhiều nỗ lực, các bác sĩ phòng cấp cứu đã đưa bệnh nhân thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Nguyên nhân sốc nhiễm trùng của bệnh nhân được tìm ra là do nhiễm trùng đường tiết niệu nặng. Các bác sĩ Tiết niệu lập tức được triệu tập để phối kết hợp đa khoa, điều trị tích cực cho bệnh nhân. Bốn ngày sau, sinh hiệu ổn định hơn thì bệnh nhân được chuyển sang Khoa Tiết niệu. Sau 1 tháng, bệnh nhân đã bình phục và được xuất viện” - Tiến sĩ Wang Shifeng thuộc Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Cathay (Đài Loan, Trung Quốc) kể lại.
Bác sĩ cảnh báo tác hại khủng khiếp của thói quen nhịn tiểu
Tiến sĩ Wang Shifeng nhắc nhở, rất nhiều người có thói quen nhịn tiểu mà không biết những tác hại khôn lường của nó tới sức khỏe. Ông nhấn mạnh rằng, bản thân hành động nhịn tiểu không trực tiếp gây mất mạng nhưng nó dẫn tới nhiều căn bệnh cả mạn tính và cấp tính gây nguy hiểm tính mạng.
Ngoài nhiễm trùng đường tiết niệu, thói xấu nhịn tiểu còn ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác (Ảnh minh họa)
Có thể kể đến một số tác hại thường gặp của thói xấu nhịn tiểu như:
- Nhịn tiểu làm tăng áp lực lên bàng quang, làm vỡ bàng quang.
- Càng nhịn tiểu, bàng quang càng trở thành mảnh đất màu mỡ để vi khuẩn phát triển và gây ra những rủi ro cho sức khỏe.
- Gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Đây là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến đường tiết niệu, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào trong bộ phận này.
- Lâu ngày dẫn đến vùng đáy chậu tăng hoạt động, đau bàng quang, tiểu gấp hoặc tiểu không tự chủ.
- Gây viêm bàng quang kẽ.
- Gây suy thận, sỏi thận.
- Tiểu dắt, tiểu són.
- Làm giảm ham muốn tình dục, có thể gây vô sinh ở nữ giới.
Với trường hợp của ông Zheng, ông bị nhiễm trùng đường tiết niệu nghiêm trọng nhưng không phát hiện bệnh cũng không xử lý kịp thời. Lâu ngày vẫn tiếp tục duy trì thói xấu nhịn tiểu và uống ít nước dẫn tới bệnh tiến triển thành sốc nhiễm trùng và gây nguy hiểm tính mạng.
Tiến sĩ Wang Shifeng cho biết thêm: “Đường tiết niệu là một trong những con đường lây nhiễm vi khuẩn phổ biến nhất và nhiều rủi ro khác nhau sẽ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh. Nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính nhưng phụ nữ dễ mắc bệnh hơn. Lý do là chiều dài niệu đạo ngắn hơn nam giới và lỗ niệu đạo lại gần hậu môn nên nhiễm khuẩn dễ xảy ra hơn. Hơn nữa, nữ giới còn trải qua kỳ kinh nguyệt nên làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, viêm bàng quang do vi khuẩn
Tuy nhiên, cần nhớ một điểm quan trọng là chỉ nam giới trưởng thành mới ít bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn nữ giới nói chung. Còn trẻ em trai và nam giới cao tuổi lại dễ nhiễm trùng đường tiết niệu hơn phụ nữ. Nguyên nhân thường do các bệnh bẩm sinh như trào ngược bàng quang niệu quản, hẹp niệu quản vùng chậu… Thường gặp hơn là do bao quy đầu quá dài và không được vệ sinh đúng cách. Ở người lớn tuổi, nguyên nhân chủ yếu là do phì đại tuyến tiền liệt, nhịn tiểu, không chú ý vệ sinh, thiếu nước… gây nhiễm trùng”.
Để phòng nhiễm trùng đường tiết niệu, ngoài tránh nhịn tiểu còn cần uống đủ nước và chú trọng miễn dịch (Ảnh minh họa)
Vì vậy, ông nhắc nhở rằng bận rộn như thế nào cũng hãy cố gắng đi tiểu ngay khi có thể, đừng bao giờ nhịn tiểu. Đồng thời, hãy uống đủ nước và uống nước rải rác trong ngày. Cũng không nên ép nước tiểu ra qua nhanh khi đi vệ sinh, lau chùi đúng cách, chú trọng vệ sinh vùng kín để tránh nhiễm khuẩn. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cân bằng, vận động thường xuyên, ngủ sớm và đủ giấc cũng là cách để tăng cường miễn dịch, phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Asia One, QQ