Ảnh minh hoạ
Đây là trường hợp bệnh nhân ung thư tử vong do điều trị sai cách mà bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, từng chẩn đoán.
Bệnh nhân nam 47 tuổi được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày giai đoạn muộn, không thể phẫu thuật do khối u lan rộng. Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân phác đồ dùng hóa chất để nâng cao thể trạng, kéo dài thời gian sống. Tuy nhiên, người đàn ông này đã từ chối tiếp tục điều tri, xin ra viện.
Khi về nhà, bệnh nhân uống nước kiềm với mong muốn "thải độc và thu nhỏ khối u".
Bệnh nhân chỉ uống nước kiềm, không ăn uống với hy vọng "bỏ đói tế bào ung thư". Sau ba tuần, bệnh nhân suy kiệt, nhập viện cấp cứu song không qua khỏi.
Uống nước kiềm 'chữa ung thư'?
Bác sĩ Hải Nam cho hay nước kiềm hay nước có tính kiềm được xác định dựa trên độ pH của nước. Dung dịch có độ pH > 7 là có tính kiềm. Đây chỉ là nước điện giải, có thể bổ sung đề kháng cho con người, không thể thay thế thuốc chữa bệnh.
Cho đến nay, chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định chỉ uống nước kiềm có thể trị bệnh dạ dày và ung thư. Y khoa chưa ghi nhận trường hợp nào khỏi ung thư chỉ nhờ thuốc nam, thuốc gia truyền. Người bệnh nhịn ăn càng khiến hệ miễn dịch suy giảm, nhanh suy kiệt và tử vong hơn, bác sĩ Nam thông tin.
Ảnh minh họa tế bào ung thư.
Đồng quan điểm với bác sĩ Nam,Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Trưởng Khoa sức khoẻ Tâm thần (Bệnh viện E), cho hay hiện nay chưa có cơ sở khoa học chứng minh rằng "uống nước kiềm chữa ung thư". Thậm chí, việc sử dụng nước kiềm để chữa bệnh cũng không hề có cơ sở.
Ở nhóm bệnh nhân mắc ung thư, khi biết mắc bệnh, họ thường tuyệt vọng và có tâm lý "có bệnh vái tứ phương". Họ thường tìm tới các phương pháp chữa bệnh không chính thống, trong đó người chữa bệnh gieo hy vọng "chữa khỏi ung thư" - đây là lời hứa mà y học hiện đại khó có thể cam kết được. Chính vì tuyệt vọng, bệnh nhân ung thư đã đi theo cách chữa bệnh bằng việc uống nước kiềm.
Theo bác sĩ Chung, những bệnh nhân ung thư đi theo phương pháp uống nước kiềm thường là người nghèo, không có kiến thức về bệnh mình đang mắc, kinh tế eo hẹp… Khi không có tài chính và kiến thức, họ rất dễ bị lôi kéo vào đám đông chữa bệnh phản khoa học.
Làm gì khi mắc ung thư?
Ung thư dạ dày là tình trạng tăng sinh mất kiểm soát của các tế bào biểu mô tuyến của dạ dày, từ đó hình thành nên khối u tại dạ dày, có thể xâm lấn các cấu trúc xung quanh, thậm chí di căn sang các cơ quan khác của cơ thể.
Ung thư dạ dày là một trong số các bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới.
Theo số liệu toàn cầu năm 2020, ung thư dạ dày đứng thứ 5 trong số các bệnh ung thư thường gặp với hơn 1 triệu người mắc mới, đứng thứ 4 về tỷ lệ tử vong do bệnh ác tính với 770.000 ca. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày đứng thứ 4 về tỷ lệ mắc mới, sau ung thư gan, phổi, vú.
Bác sĩ Nam lưu ý ung thư dạ dày thường tiến triển âm thầm, triệu chứng mơ hồ, không điển hình nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lành tính khác. Tại Việt Nam, hơn 90% người ung thư dạ dày đến viện trong giai đoạn muộn, khiến việc điều trị khó khăn, tỷ lệ khỏi bệnh và sống trên 5 năm sau phẫu thuật thấp.
Trong trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày, bác sĩ khuyên không nên bi quan, hãy sáng suốt, có trách nhiệm với sức khỏe của mình. Bệnh nhân và gia đình cần bình tĩnh và trao đổi kỹ với bác sĩ để người thân được điều trị tốt nhất.