Anh Lý (40 tuổi) sống ở một vùng nông thông ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Mấy năm nay việc kinh doanh của anh rất thuận lợi, gia đình sống dư dả. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm nay, trong một lần đi kiểm tra sức khỏe, anh được phát hiện bị xơ gan. Lúc này, tình trạng vẫn chưa tới mức nghiêm trọng nên bác sĩ dặn anh về nhà chú ý tới chế độ ăn uống, hạn chế dầu mỡ, ăn nhiều rau củ quả, không nên thức khuya, nếu không tình trạng sẽ nặng thêm.
Sau khi về nhà, anh Lý bắt đầu chú ý đến việc giữ gìn sức khỏe, thay đổi thói quen ăn uống, 8 tháng sau anh đến bệnh viện kiểm tra, kết quả cho thấy bệnh xơ gan đã chuyển thành ung thư gan. Nghe những lời bác sĩ nói, anh suy sụp tinh thần. Anh thắc mắc tại sao bản thân đã chú ý sức khỏe nhưng bệnh lại nặng thêm.
Sau khi trao đổi, bác sĩ biết được từ sau khi phát hiện mình bị xơ gan, anh Lý ăn uống nhạt hơn, vị giác kém nên được bạn bè khuyên nên ăn cau để cải thiện tình hình. Thế nên, mỗi ngày anh đều ăn vài miếng cau và không ngờ rằng điều này lại gây họa cho mình. Bác sĩ cho rằng, sở dĩ chuyển từ xơ gan sang ung thư chính là thói quen ăn cau.
Ở nước ta, những người già thường cuộn lá trầu với cau, quết thêm ít vôi tôi để tăng thêm hương vị. Thế nhưng, ở Trung Quốc, người dân không có thói quen ăn cau cùng với lá trầu.
Quả cau nguy hiểm như thế nào đối với sức khỏe con người?
Năm 2003, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê quả cau vào danh sách những chất gây ung thư. Các nghiên cứu khoa học cũng khẳng định nếu ăn cau trong thời gian dài có thể gây ung thư gan, đồng thời đẩy nhanh bệnh viêm gan B, viêm gan C, tổn thương gan. Chất arecoline trong cau có thể đẩy nhanh tế bào gan bị thương, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch nên bệnh nhân mắc bệnh gan cần tránh xa.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc ăn cau với bệnh ung thư miệng và thực quản. Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Nha khoa Mỹ cho thấy, những người ăn cau có nguy cơ bị xơ hóa niêm mạc miệng rất cao. Tình trạng này rất khó được chữa khỏi, có thể gây cứng miệng, cuối cùng dẫn tới mất cử động hàm. Thường xuyên nhai cau cũng gây kích ứng nướu và sâu răng. Răng có thể bị ố đỏ hoặc bị đen vĩnh viễn.
Một công bố của Hiệp hội Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ cho biết, các nhà khoa học phát hiện ra có mối liên hệ chặt chẽ giữa việc ăn cau với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa và béo phì.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) coi cau là một loại quả không an toàn để ăn. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC) cảnh báo một số tình trạng y tế có thể xảy ra khi ăn cau với hút thuốc lá như: Xơ hóa niêm mạc miệng, ung thư miệng, gây ra các vấn đề sinh sản như trẻ nhẹ cân, sinh non, gây nghiện.
2 loại thực phẩm có thể gây tổn thương gan, cần hạn chế ăn
- Nấm khô ngâm lâu trong nước
Nấm là loại thực phẩm được nhiều người yêu thích nhưng không phải ai cũng biết thời gian ngâm nấm như thế nào để không gây hại cho cơ thể. Trên thực tế, các loại nấm khô như mộc nhĩ, nấm hương… không được ngâm quá 30 phút. Nếu ngâm nấm quá lâu nó sẽ sản sinh ra một số chất có hại như axit mycolic. Chất này khi vào cơ thể sẽ làm tổn thương các mô gan, gây ra các bệnh về gan và nhiều bệnh khác.
Ảnh: devour
- Khoai tây mọc mầm
Trong thực tế cuộc sống, có không ít những trường hợp bị ngộ độc thực phẩm khi ăn phải khoai tây mọc mầm. Khi khoai tây mọc mầm nó sẽ sản sinh ra nhiều solanin, rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của gan, đồng thời khiến các chất độc tích tụ trong gan. Vậy nên khi thấy khoai tây đã mọc mầm, tốt nhất nên vứt bỏ.
Những dấu hiệu bất thường cho thấy gan đã bị tổn thương
Quá trình tổn thương gan diễn ra trong thời gian dài và không dễ nhận biết trong thời gian đầu. Tuy nhiên, khi nhận thấy một số dấu hiệu điển hình sau, bạn nên sớm đến bệnh viện kiểm tra.
- Nước tiểu màu nâu, có mùi hôi, phân đen.
- Da ngứa, nổi nốt ruồi mạng nhện.
- Da mặt vàng, võng mạc mắt vàng, quầng thâm nặng.
- Sụt cân đột ngột trong thời gian ngắn, người uể oải thiếu năng lượng, tay chân yếu.
- Khô miệng, miệng đắng, hơi thở có mùi hôi, lưỡi có lớp phủ màu trắng và dày.
- Thường xuyên bị đau ở vùng bụng bên phải, tiêu chảy kéo dài.
- Màu sắc móng tay không đều, màu trắng và có các đường dọc.
Tóm lại, để phòng tránh bệnh gan, bạn cần chú ý đến yếu tố sức khỏe, tránh xa bia rượu, ăn trầu cau, các thực phẩm hư hỏng bị mốc, đồng thời cần đi khám sức khỏe định kỳ để phòng, điều trị virus viêm gan B, tích cực rèn luyện cơ thể và tăng cường khả năng miễn dịch.