Không chỉ luôn nằm trong top các quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới, Nhật Bản còn là một trong những quốc gia có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới, đồng thời là quốc gia có tỷ lệ béo phì thấp nhất trong số các nước phát triển theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới vào năm 2016. Ngay cả Pháp - đất nước được biết đến với chế độ ăn Parisian cũng có tỷ lệ béo phì là 11%, trong khi tỷ lệ này của Hoa Kỳ cao tới 32%.
Nếu là người thường xuyên xem phim và chương trình truyền hình Nhật Bản, bạn có thể dễ dàng nhận thấy rằng người Nhật Bản rất gầy. Ngoài đời, hầu hết các du khách ghé thăm đất nước mặt trời mọc cũng vô cùng ngạc nhiên khi nhận thấy gần như không có người béo phì trên đường phố Nhật Bản.
Điều đặc biệt là theo cuộc khảo sát về "Quốc gia ít yêu thích thể thao nhất thế giới" của tạp chí y tế "The Lancet", Nhật Bản đứng thứ 11 và hơn 60% người dân nước này tham gia thể thao ít hơn mức trung bình.
Vậy vì sao người Nhật không thích thể thao nhưng vẫn gầy và sống lâu đến vậy?
Câu trả lời là từ thói quen sống hàng ngày của người dân đảo quốc này.
1. Ăn đa dạng thực phẩm, ít calo và chất béo
Thức ăn của người Nhật thường nhạt và ít calo. Takahiko Shijo, hậu duệ đời thứ tư của Shijo-ryu Nhật Bản, cho biết trong cuốn "Thực hành Ẩm thực Nhật Bản": "Có một nguyên tắc trong ẩm thực Nhật Bản, đó là vị ngon không thể che lấp đi hương vị ban đầu của các nguyên liệu".
Văn hóa truyền thống của Nhật Bản coi trọng "độ tươi là trên hết", vì vậy phụ nữ Nhật Bản thường thích mua nhiều cá, rau và trái cây, ít ăn thịt đỏ và các thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng calo cao.
Ăn 30 loại nguyên liệu mỗi ngày là mục tiêu ăn kiêng được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản khuyến khích trong "Hướng dẫn cho một lối sống ăn uống lành mạnh" vào năm 1985. Kể từ đó, khái niệm 30 loại nguyên liệu đã lan truyền rộng rãi ở Nhật Bản và được nhiều bà nội trợ sử dụng như kim chỉ nam để sắp xếp chế độ ăn trong ngày.
Thông thường cơ cấu khẩu phần ăn của một gia đình Nhật Bản là: sashimi hoặc cá nướng, cá luộc, đậu phụ nguội, rau củ luộc và các món ăn kèm. Những thực phẩm này rất giàu chất dinh dưỡng, nhiều protein nhưng ít chất béo. Người Nhật cũng thích ăn đồ chiên nhưng cách chiên ngập dầu của họ là phải chú ý bề mặt không được tràn dầu và thường dùng khăn giấy thấm bớt. Phương pháp chiên này khác với nhiều món ăn nhanh của Mỹ.
2. Dùng bát đĩa nhỏ và chỉ ăn no 80%
Người Nhật thường đựng và bày thức ăn vào những bát, đĩa nhỏ. Ngay cả đồ chua hay nước sốt cũng sẽ được chia thành nhiều phần, mỗi người một bát nhỏ. Tuy có nhiều loại đồ ăn nhưng số lượng mỗi món đều rất ít. Ngoài ra, người Nhật thường có thói quen chỉ "ăn no 80%".Thói quen này tốt cho hệ tiêu quá và tạo cảm giác no lâu, đảm bảo dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể.
3. Ăn sáng nhiều và ít ăn ngoài
Vữa sáng không chỉ là bữa ăn quan trọng đối với sức khỏe mà còn là bữa ít gây béo nhất.
Trong văn hóa Nhật Bản, bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong 3 bữa ăn chính. Vì vậy những người phụ nữ Nhật luôn cố gắng chuẩn bị những bữa sáng phong phú và tốt cho sức khỏe của gia đình.
Người Nhật cũng ít khi ăn ngoài mà thường ăn đồ ăn tự nấu. Trẻ em Nhật sau khi ăn sáng còn mang theo hộp cơm do mẹ làm để ăn vào buổi trưa. Sinh viên hay nhân viên văn phòng thường lựa chọn các bữa ăn trưa bổ dưỡng công cộng do chính phủ Nhật cung cấp. Điều đáng nói, những suất ăn trưa này đều do các chuyên gia dinh dưỡng chuyên nghiệp thiết kế, chất lượng đảm bảo.
4. Nhai chậm
Người Nhật ăn rất chậm và từ tốn, đây là thói quen rất có lợi cho sức khỏe. Nhai chậm giúp cho việc tiêu hóa dễ dàng hơn, giảm tải được gánh nặng cho dạ dày, ruột, gan, thận. Đồng thời cũng có thể giúp kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Đó cũng là lý do giúp tỷ lệ béo phì ở Nhật Bản luôn thấp hơn so với các quốc gia khác.
5. Thích tắm và đi bộ
Ngoài những điều trên, người Nhật còn là dân tộc yêu thích việc tắm rửa nhất thế giới. Không chỉ phòng tắm riêng trong gia đình, quốc gia này còn có nhiều phòng tắm hơi công cộng rất tiện nghi.
Khác với cách tắm thông thường, người Nhật đã phát minh ra các phương pháp tắm giúp giữ gìn sức khỏe như tắm rượu gạo, tắm hoa, tắm lá, tắm táo,... không chỉ làm sạch cơ thể mà còn phòng ngừa được một số loại bệnh và giúp thư giãn, giải tỏa căng thẳng rất hiệu quả.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chính giúp tuổi thọ trung bình của người Nhật Bản được xếp vào hàng cao nhất thế giới là họ rất quan tâm đến phương pháp rèn luyện sức khỏe. Dù không thường xuyên tập thể dục nhưng người Nhật lại rất thích đi bộ. Bộ môn này giúp rèn luyện chức năng tim phổi, thúc đẩy tuần hoàn máu, chống loãng xương, là một cách tốt để cơ thể khỏe mạnh hơn mỗi ngày.