Khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh vừa cho biết, từ đầu mùa đông xuân cho đến na đãy ghi nhận nhiều trường hợp mắc cúm mùa ở mọi lứa tuổi, trong đó có khoảng 50% bệnh nhân cần phải nhập viện điều trị, còn lại là các trường hợp nhẹ điều trị ngoại trú. Đáng chú ý, thời điểm này, Khoa đã tiếp nhận điều trị cho những trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi hoặc người không có bệnh lý nền mạn tính nhưng mắc cúm có biến chứng.
Điển hình như trường hợp của chị L. T .L (40 tuổi, ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh) có biểu hiện sốt nóng từng cơn, đau đầu nhiều, mỏi người, khó thở, đau rát họng, ho đờm xanh loãng, tự điều trị thuốc hạ sốt tại nhà trong 3 ngày nhưng không đỡ. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã thăm khám, thực hiện xét nghiệm chuyên sâu. Kết quả chụp xquang và Ctscanner phổi có các đám đông đặc, kinh mờ, dày tổ chức kẽ, màng phổi hai bên. Kết quả test cúm A dương tính. Bệnh nhân được chẩn đoán tình trạng cúm A bội nhiễm viêm phổi, suy hô hấp. Bệnh nhân được điều trị cúm A tích cực theo phác đồ, thở oxy hỗ trợ.
Bệnh nhân cúm mùa điều trị tại bệnh viện.
Trường hợp khác trong gia đình là bệnh nhân P. T. G (73 tuổi, ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) biểu hiện sốt nóng từng cơn, đau đầu nhiều, mỏi cơ, ho khan, khó thở, dùng hạ sốt tại nhà nhưng không thuyên giảm. Kết quả chụp xquang tại Bệnh viện có tình trạng đông đặc, giãn phế nang, dày tổ chức kẽ, màng hai phổi, tăng men gan. Kết quả test cúm A dương tính. Các bác sĩ đã điều trị cúm A biến chứng viêm phổi theo phác đồ.
Bác sĩ Bùi Thị Nhung – Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, một số triệu chứng điển hình thường gặp của cúm mùa như: sốt trên 38 độ C, đau cơ bắp, ớn lạnh, đau đầu, ho khan, mệt mỏi, nghẹt mũi, viêm họng, khó thở… Đối tượng trẻ nhỏ, người có sức đề kháng kém, người bệnh mạn tính như COPD, suy tim, suy thận, đái tháo đường, phụ nữ mang thai… rất dễ mắc cúm mùa và có thể diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong.
Nếu có các triệu chứng sốt cao, ho, sổ mũi, đau đầu, đau cơ mệt mỏi người bệnh nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước. Khi các triệu chứng này kéo dài, không nên chủ quan tự mua thuốc điều trị mà nên đến cơ sở y tế để khám bệnh. Những trường hợp nặng và những trường hợp có thể trạng đặc biệt như người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, các bệnh nhân có các bệnh mạn tính như tim mạch, hen suyễn, bệnh phổi…thì cần phải lưu ý khám bác sĩ và nhập viện nếu bác sĩ yêu cầu.
Việc điều trị sớm bằng thuốc kháng virus cúm theo chỉ định của bác sĩ sẽ hạn chế các biến chứng suy hô hấp. Người bệnh mắc cúm mùa nên đến các cơ sở y tế thăm khám để được chẩn đoán xác định tình trạng, mức độ bệnh, phân loại tư vấn điều trị tại nhà hoặc tại bệnh viện, có hướng theo dõi, xử trí kịp thời, hạn chế biến chứng nguy hiểm.
Cúm mùa thường lây lan với tốc độ nhanh đặc biệt là với người lớn và trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng ngừa bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, tránh đám đông lớn, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, khi bị sốt thì ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết để tránh lây nhiễm cho người khác.
Người được cơ sở y tế xác định mắc cúm A nên nghỉ ngơi, đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người để tránh virut lây bệnh sang những người xung quanh. Ngoài ra, cách tốt nhất để phòng ngừa cúm A là thực hiện tiêm vắc xin cúm hàng năm. Mỗi mũi tiêm phòng cúm có thể chống lại 3-4 loại vi rút cúm khác nhau trong mùa cúm năm đó. Các đối tượng nguy cơ cao cần được tiêm vắc-xin cúm hàng năm vào trước mùa dịch, trước tiên là người cao tuổi và trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, đặc biệt từ 6 tháng đến 2 tuổi.