Một nữ kỹ sư ở Trung Quốc thường xuyên cảm thấy đau bụng, cô nghĩ rằng do áp lực công việc và thói quen ăn uống kém của mình khiến cho tình trạng này không thuyên giảm. Cho đến một lần, khi không thể chịu nổi những cơn đau này, cô mới đến bệnh viện kiểm tra và phát hiện có sỏi trong túi mật của mình. Các bác sĩ đã sắp xếp cho cô 1 cuộc phẫu thuật nội soi, không ngờ khi phẫu thuật xong, bác sĩ lấy ra hơn 3.000 viên sỏi trong túi mật của người phụ nữ này.
Li Jinde, Phó giám đốc Khoa Phẫu thuật Gan và Tụy tại Bệnh viện Quốc tế Botian (Trung Quốc), nơi điều trị cho nữ kỹ sư cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng và đường ruột lúc nào cũng đầy hơi, dùng thuốc cũng không cải thiện. Gần đây, mỗi khi ăn vào, cô lại bị đau bụng, triệu chứng kéo dài 3 tháng khiến cô ăn ít hơn.
Người phụ nữ ngay lập tức được chỉ định phẫu thuật gấp. Sau khi phẫu thuật, các bác sĩ cho biết tổng trọng lượng của các viên sỏi mật là 33,6 gam nhưng có tới hơn 3.000 viên. 3 ngày sau ca phẫu thuật, vết thương của cô hồi phục nhanh chóng, bệnh viện đã giữ lại một vài viên sỏi mật để làm “kỉ niệm” cho người phụ nữ, mong cô sẽ khỏe mạnh và bình an.
Bác sĩ Li Jinde cho biết, phụ nữ là đối tượng dễ bị sỏi mật hơn nam giới. Nguyên nhân chính được cho là do nội tiết tố nữ bẩm sinh, sự khác biệt về gen và do thói quen ăn uống, chẳng hạn như đồ chiên rán, thực phẩm có cholesterol cao, uống không đủ nước và nhịn ăn lâu ngày… có thể gây ra sự hình thành sỏi mật. Nếu sỏi mật đã hình thành và túi mật đã được cắt bỏ, nên áp dụng chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ, chia thành nhiều bữa nhỏ, ít đường và tránh thực phẩm chế biến sẵn.