Bác sĩ Pan Sheng, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa số 1 thuộc Bệnh viện Puren Vũ Hán (Trung Quốc) chia sẻ: “Thủng ruột do vô tình nuốt phải dị vật như xương cá, xương gà… không hiếm trong lâm sàng. Tuy nhiên cách đây vài ngày khoa chúng tôi lần đầu tiên tiếp nhận một ca cấp cứu vì nuốt phải một chiếc tăm”.
Người phụ nữ vô tình nuốt phải cây tăm khi xỉa răng gây thủng ruột (Ảnh BV cung cấp)
Bệnh nhân được bác sĩ Pan nhắc đến là bà Lý, 47 tuổi. Giữa tuần trước bà đang ngủ trưa thì có cảm giác đau bụng nhẹ. Bà cho rằng mình ăn phải đồ không tươi ngon nên chỉ uống thêm nước ấm với suy nghĩ sẽ giảm đau, diệt khuẩn. Hai ngày sau, cơn đau bụng ngày một tăng kèm tiêu chảy, đi ngoài phân đen khiến bà phải mua thuốc tiêu hóa về uống.
Uống thuốc mấy ngày vẫn không khỏi, người nhà bà Lý muốn đưa bà đi thăm khám nhưng bà nhất quyết không chịu. Bởi vì tính bà vốn rất tiết kiệm, xưa nay chưa bao giờ đi khám sức khỏe định kỳ hay đau ốm nặng nên sợ tới bệnh viện sẽ tốn kém.
Đến buổi sáng của ngày thứ 5, bà Lý đau bụng dữ dội tới mức chỉ có thể nằm một chỗ. Đồng thời, bà bị sốt cao, nôn mửa nên người nhà lập tức gọi xe cấp cứu đưa bà tới Bệnh viện Puren Vũ Hán. Bác sĩ trực phòng cấp cứu kiểm tra và kết luận bà bị thủng ruột do nuốt phải dị vật, cần phải phẫu thuật ngay. Đến tận lúc này, bà Lý vẫn không chịu hợp tác. Bà khẳng định mình không hề nuốt nhầm bất cứ thứ gì dài tới 5cm và chỉ muốn được điều trị bằng thuốc.
Bác sĩ Pan kể lại: “Tình trạng của bệnh nhân rất nghiêm trọng, thủng ruột gây nhiễm trùng nhưng không được xử lý kịp thời, dẫn tới áp xe tại chỗ và viêm phúc mạc nguy hiểm tính mạng. Chúng tôi kết hợp với người nhà mất khá nhiều thời gian mới có thể thuyết phục bệnh nhân đồng ý mổ nội soi cấp cứu.
Khi phẫu thuật phát hiện dị vật là một chiếc tăm tre dài 5,4cm. Cây tăm đã đâm vào đoạn cuối hồi tràng và vào manh tràng, ngoài gây thủng còn tạo thành áp xe cũng như dẫn tới biến chứng viêm phúc mạc. Để tránh tổn thương nghiêm trọng hơn, ngoài lấy dị vật chúng tôi đã phải cắt hồi tràng, cắt bỏ đoạn ống ruột dài 12cm”.
Ca phẫu thuật thành công và may mắn là bà Lý cũng hồi phục rất nhanh. Khi nhớ lại nguyên nhân khiến mình trải qua một trận “thập tử nhất sinh”, bà cho biết đó là do mình vốn có thói quen xỉa răng sau bữa ăn đã nhiều năm. Đặc biệt là khi xỉa răng xong bà còn thương ngậm tăm rất lâu.
Ngày hôm đó bà ăn sáng xong thì bà Lý vừa xỉa răng vừa ngồi xem tin tức trên vô tuyến. Vì quá tập trung vào nội dung tin tức nên bà không để ý, vô tình nuốt phải cây tăm nhọn lúc nào không hay. Đến buổi trưa ngày hôm sau, ăn cơm xong bà mới bắt đầu cảm thấy đau nhưng không nhớ ra mình nuốt phải cây tăm, chỉ nghĩ rằng bị rối loạn tiêu hóa.
Bác sĩ Pan cho biết thêm, ngay cả khi đã trải qua nguy hiểm bà Lý vẫn nhất quyết không bỏ thói quen ngậm tăm và xỉa răng. Khi được các y tá khuyên nhủ, bà nói rằng mình đã làm điều này từ khi còn nhỏ, chỉ có thể cẩn thận hơn và đổi sang loại tăm tre có đầu không nhọn. Dù được khuyên đổi sang chỉ nha khoa hay các phương pháp khác bà cũng không đồng ý.
Ngoài nguy cơ nuốt phải, xỉa răng bằng tăm còn không tốt cho sức khỏe răng miệng (Ảnh minh họa)
“Rất nhiều người giống với bệnh nhân, không thể thiếu việc xỉa răng bằng tăm sau khi ăn. Trong khi đó, thói quen này ẩn chứa nhiều nguy cơ sức khỏe. Ngoài vô tình nuốt phải thì còn ảnh hưởng xấu tới hàm răng và nướu, gia tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng.
Đặc biệt, tăm đâm vào nội tạng cũng được coi là hóc dị vật nhưng nguy hiểm hơn nhiều so với hóc xương. Ví dụ như xương cá còn có thể bị các dịch vị ăn mòn nhưng tăm gỗ/tre/nhựa thì không. Chưa kể nhiều người chủ quan khi nuốt phải tăm hoặc cố gắng tự lấy ra gây nhiều hậu quả nghiêm trọng” - bác sĩ Pan cảnh báo thêm.
Nguồn và ảnh: QQ, KKnews