N. (làm việc tự do tại Hà Nội), vốn là một cô gái có ngoại hình xinh xắn, làn da trắng mịn cùng chiều cao lý tưởng. Sau 2 lần sinh con, N. luôn bị ám ảnh về ngoại hình. Cô tâm sự với bạn bè, mình luôn ngán ngẩm với thân hình ngấn mỡ, già đi nhiều, không còn xinh xắn như xưa.
"Không hiểu sao bạn mình luôn ám ảnh với ngoại hình như vậy, mặc dù khách quan mà nói, N. rất xinh xắn, sở hữu chiều cao 160cm với làn da trắng mịn không tì vết, là ước ao của một người chưa chồng con gì như mình", H. (bạn thân của N.) kể.
N. ám ảnh ngoại hình của mình, luôn sợ xấu, sợ bị người khác nhìn vì nghĩ mình "không còn được như xưa". Mỗi lần soi gương, N. lại ngán ngẩm rồi kết luận "do đẻ xong bị xấu đi".
Cô quyết định phải sửa mũi vì sau sinh "mũi có vẻ bị to bè hơn". Thêm nữa, nghi ngờ chồng "à ơi ong bướm" với đồng nghiệp nữ ở cơ quan, N. càng lo sợ, quyết định đi sửa mũi để xinh đẹp hơn, vừa giữ chồng vừa thay đổi vận mệnh.
Ảnh minh họa: Pinterest
Sửa mũi xong chưa được bao lâu, N. có bầu lần 3. Em bé nằm ngoài dự định có con của vợ chồng cô. Cô muốn giữ con để nuôi nhưng cũng sợ xấu. Bầu bí lần 3 không dễ dàng, bụng N. to rất nhanh, cơ thể cũng thay đổi nhanh chóng. Lo sợ ánh mắt của đồng nghiệp xung quanh, không còn nhận ra mình nữa, N. quyết định nghỉ việc ở nhà.
Sau sinh lần 3 được 4 tháng, N. nhanh chóng cai sữa cho con để tiện làm đẹp. Cô phải đi tiêm filler cho mặt thon gọn, tiêm meso cho da căng bóng... để trẻ đẹp như gái đôi mươi, không thể vì có 3 con mà chịu xấu đi. Nhưng, càng lao đầu vào làm đẹp, N. càng cảm thấy bế tắc, mất niềm vui trong cuộc sống hàng ngày.
Chưa kể, N. còn không chịu đẻ thường vì muốn giữ gìn đời sống hôn nhân. Mặc cho bác sĩ khuyên đẻ thường mới tốt cho con, sức khỏe người mẹ nhanh bình phục, vùng kín sẽ hồi phục như cũ sau một thời gian sinh con... N. nhất định chọn đẻ mổ vì sợ vùng kín xấu xí. Cả 3 lần sinh nở, cô đều chọn đẻ mổ. Cô cho rằng: "Đẻ thường khiến một số chỗ thay đổi, chồng chán chồng chê đi với người khác thì sao? Rồi nguy cơ bị rạch, khâu tầng sinh môn, xấu quá là xấu".
Theo ThS. BS Đàm Văn Đức (chuyên ngành Tâm thần, làm việc tại Đà Nẵng), trường hợp như người phụ nữ trên không hề hiếm gặp. Bản thân bác sĩ cũng từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị ám ảnh về ngoại hình như thế, nhiều chị em luôn cho rằng ngoại hình của mình có một vấn đề khiếm khuyết gì đó rất xấu xí, họ bận tâm quá mức về những khiếm khuyết đó, mặc dù chúng rất nhỏ, hầu như chẳng ai để ý.
Ví dụ như nhiều người cho rằng mũi của mình chưa được thẳng, chưa được đẹp, luôn so sánh bản thân với ngoại hình của người khác, tìm kiếm sự trấn an về mặt ngoại hình. Họ có thể tiến hành những phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh sửa mà không cần thiết.
Những suy nghĩ này có thể kéo dài dai dẳng, một cách tiêu cực, để lại hậu quả không thể ngờ cho bệnh nhân. Bệnh nhân có thể trốn tránh xã hội, không muốn giao tiếp với mọi người... "Đây là một dạng bệnh tâm thần, có tên là rối loạn mặc cảm ngoại hình", chuyên gia khẳng định.
Rối loạn mặc cảm ngoại hình là gì?
Theo Mayo Clinic, rối loạn mặc cảm ngoại hình là một tình trạng sức khỏe tâm thần. Đây là tình trạng một người dành nhiều thời gian lo lắng về những khuyết điểm về ngoại hình của mình. Những khuyết điểm này thường không được người khác chú ý.
Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc rối loạn mặc cảm ngoại hình, nhưng phổ biến nhất là ở thanh thiếu niên và người trẻ tuổi. Nó ảnh hưởng đến cả nam và nữ.
Dấu hiệu chứng tỏ bạn bị rối loạn mặc cảm ngoại hình
- Quá bận tâm với khuyết điểm về ngoại hình mà người khác không thể nhìn thấy hoặc rất nhỏ.
- Có niềm tin mạnh mẽ rằng bạn có khuyết điểm về ngoại hình khiến bạn xấu xí hoặc không bình thường.
- Có niềm tin rằng người khác chú ý đặc biệt đến ngoại hình của bạn theo cách tiêu cực hoặc chế giễu bạn.
- Có hành vi nhằm mục đích sửa chữa hoặc che giấu khuyết điểm được nhận thức mà khó cưỡng lại hoặc kiểm soát, chẳng hạn như thường xuyên soi gương, chải chuốt hoặc nặn da.
- Cố gắng che giấu khuyết điểm được nhận thức bằng cách tạo kiểu, trang điểm hoặc quần áo.
- Liên tục so sánh ngoại hình của bạn với người khác.
- Thường xuyên tìm kiếm sự an tâm về ngoại hình của bạn từ người khác.
- Có xu hướng cầu toàn.
- Tìm kiếm các thủ thuật thẩm mỹ nhưng không hài lòng sau đó.
- Tránh giao tiếp xã hội.
Việc bận tâm đến ngoại hình và suy nghĩ quá mức cùng hành vi lặp đi lặp lại có thể không mong muốn, khó kiểm soát và tốn thời gian đến mức chúng có thể gây ra sự đau khổ hoặc vấn đề lớn trong cuộc sống xã hội, công việc, trường học hoặc các lĩnh vực hoạt động khác của bạn.
Bạn có thể tập trung quá mức vào một hoặc nhiều bộ phận trên cơ thể. Những bộ phận cơ thể mà bạn tập trung vào có thể thay đổi theo thời gian. Những vùng phổ biến nhất mà mọi người có xu hướng tập trung bao gồm:
- Khuôn mặt, chẳng hạn như mũi, nước da, tình trạng nếp nhăn, mụn trứng cá và các khuyết điểm khác.
- Làn da.
- Ngực.
- Kích thước, độ săn chắc của cơ bắp.
- Bộ phận sinh dục.
Mối bận tâm về vóc dáng của bạn quá nhỏ hoặc không đủ cơ bắp (rối loạn hình thể cơ bắp) hầu như chỉ xảy ra ở nam giới.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Theo BS. Đàm Văn Đức, cảm giác xấu hổ và ngượng ngùng về ngoại hình có thể khiến bạn không muốn điều trị chứng rối loạn lo âu về ngoại hình. Nhưng nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, hãy đến gặp bác sĩ chăm sóc sức khỏe hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần.
Rối loạn mặc cảm ngoại hình thường không tự khỏi. Nếu không được điều trị, tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, dẫn đến lo lắng, trầm cảm nặng, điều trị y tế tốn kém, thậm chí có ý nghĩ và hành vi tự tử.
Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể tự làm hại bản thân hoặc đang cố gắng tự tử, hãy tìm sự trợ giúp từ chuyên gia, bác sĩ ngay lập tức nhé!