Nhìn lại lịch sử văn minh hàng nghìn năm của Trung Quốc, chúng ta có thể nhận thấy loài người chưa bao giờ ngừng chiến đấu với bệnh dịch. Theo các ghi chép lịch sử Trung Quốc, thường cứ 10 năm sẽ xuất hiện một đợt dịch lớn, 3 năm một đợt dịch nhỏ. Mỗi lần dịch bệnh xảy ra, nó cướp đi sinh mệnh của rất nhiều người, nhưng không ngăn cản được sự phát triển của một quốc gia.
Trong hàng nghìn năm lịch sử, dù căn bệnh hiểm nghèo tới đâu, hay dịch bệnh hoành hành khủng khiếp thế nào, sau cùng con người luôn chiến thắng. Vậy thì, người Trung Quốc cổ đại không có các công nghệ hiện dại, họ đã sử dụng những phương pháp gì để phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh?
1. Tin tưởng vào thầy thuốc nổi tiếng
Khi dịch bệnh xảy ra, những lương y, thầy thuốc sẽ dốc sức tìm ra các phương thuốc chữa bệnh.
Chẳng hạn như vào thời Đông Hán, lương y Trương Trọng Cảnh là một trong những người có đóng góp rất lớn trong Đông y. Ông nổi tiếng trong việc tìm ra cách điều trị bệnh sốt thương hàn vào thời điểm đó. Thậm chí các bác sĩ Nhật Bản cũng đã sử dụng một số đơn thuốc của ông để trị các bệnh truyền nhiễm như viêm gan do virus.
Một thần y không thể không nhắc tới chính là Hoa Đà, vị thầy thuốc này không chỉ giỏi phẫu thuật mà còn có thể điều trị được nhiều bệnh ký sinh trùng khác nhau. Ông cũng là người tìm ra một loại thuốc mới để điều trị bệnh sốt rét.
Ngoài ra, phải kể thêm đến các thầy thuốc như Lý Thời Trần ở nhà Minh, Diệp Thiên Thạch ở nhà Thanh và Ngô Viên vào cuối triều đại nhà Thanh, đều có những đóng góp đáng kể trong việc điều trị bệnh dịch hạch.
2. Tạo ra vắc xin phòng bệnh
Các lương y Trung Quốc đã phát minh ra kỹ thuật tiêm phòng thủy đậu cho người sớm nhất là vào năm 980-1567 sau Công nguyên. Việc sử dụng mụn nước của người bị đậu mùa kết hợp với một số chất khác, chỉ có thể ngăn ngừa được tình trạng đậu mùa biến chứng nghiêm trọng, nhưng nó là phương pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh đậu mùa trước khi phát minh ra vắc xin. Phương pháp này sau đó được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc và sau đó lan sang Châu Âu và Mỹ, cứu sống hàng triệu người và thúc đẩy y học miễn dịch hiện đại.
3. Hoàng đế chịu trách nhiệm toàn bộ
Trong thời kỳ đại dịch, nhiều vị hoàng đế thời cổ đại đã ban hành các sắc lệnh một cách trung thực và thẳng thắn, đồng thời nhận trách nhiệm xoa dịu tâm lý cho người dân cùng đồng lòng vượt qua dịch bệnh.
Vào thời nhà Tống, khi bệnh dịch bùng phát, chính phủ đã tổ chức cho các thầy thuốc tư vấn và chữa trị miễn phí cho người dân. Hoàng đế Khang Hy năm 1682 ra lệnh tiêm người dân tiêm vắc xin để ngăn ngừa bệnh đậu mùa.
4. Xây dựng các trạm kiểm dịch để ngăn chặn sự lây lan
Các thầy thuốc cổ đại sớm nhận ra sự lây nhiễm trong cộng đồng rất nguy hiểm. Vì thế, việc cách ly tất cả người nhiễm bệnh là một biện pháp vô cùng cấp thiết.
Năm 242 Sau công nguyên, lương y Cát Hồng vào thời triều Tống đã nhận ra bệnh đậu mùa lây lan tới Trung Quốc là bắt nguồn từ trong các trận chiến. Do tính chất dễ lây nhiễm, bệnh đậu mùa sau đó trở thành đại dịch trên toàn lãnh thổ. Những người lính trong quân đội sẽ được cách ly với người khỏe mạnh để ngăn ngừa việc nhiễm trùng. Hoàng đế lúc đó còn bố trí những ngôi nhà như một bệnh viện để cách ly chữa bệnh cho người dân.
Vào thời nhà Hán, chính quyền cũng cho xây dựng các cơ sở cách ly cho người mắc bệnh phong.
Có thể thấy người xưa đã sử dụng phương pháp cách ly từ rất sớm để cắt đứt nguồn lây nhiễm và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
5. Thiết lập ban quản lý phòng chống dịch bệnh và kiểm dịch ở biên giới
Một liên kết quan trọng trong việc kiểm soát bệnh dịch là thiết lập một hệ thống quản lý phòng chống dịch và kiểm dịch biên giới để kiểm soát sự lây lan quốc tế.
Khi dịch bệnh đậu mùa xảy ra, quan chức nhà Thanh chủ động điều tra, xem xét trên bất kỳ tàu thuyền nhập cảnh hay xuất cảnh có người nổi mụn nước không. Nếu có người nổi mụn nước trên cơ thể sẽ không được phép nhập cảng và đưa tới trại cách ly ngay.
Điều này cho thấy các thầy thuốc Trung Quốc tại thời điểm đó đã công nhận nhiễm trùng đậu mùa cấp tính có tính lây lan mạnh, cần phải được kiểm soát gắt gao.
6. Chú ý vệ sinh thực phẩm và giữ vệ sinh cá nhân
Khi dịch bệnh xảy ra, chính quyền sẽ đưa ra nhiều thông báo bắt buộc người dân phải nghe theo. Vào thời nhà Tần và nhà Hán, trong lệnh của Hoàng đế có quy định rằng tất cả người dân và quan chức phải vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày. Đặc biệt, khuyến khích nên tắm các loại thảo mộc để ngăn ngừa bệnh tật và duy trì sức khỏe.
Người xưa cũng nhận thấy rằng các loài gặm nhấm và thực phẩm không lành mạnh có thể lây truyền bệnh. Người dân thời nhà Minh rất chú ý đến việc vệ sinh nước uống, nước phải lấy từ sông hồ tinh khiết, đun sôi trước khi uống.
Các thầy thuốc nhà Nguyên khuyên người dân nên đánh răng thêm vào ban đêm để phòng bệnh.
7. Cải thiện điều kiện môi trường sinh sống
Việc vệ sinh môi trường sống giúp giảm sự lây lan của bệnh dịch hạch từ lâu đã nhận được sự quan tâm đáng kể. Một số ghi chép về hồ nhân tạo và ao uống nước trong triều đại Tần và Hán. Động vật chết cần phải chôn cất xa khu vực ăn uống, rác thải không được tùy tiện vứt lung tung, phạt tiền nếu xử lý tro cốt không đúng cách. Vào thời điểm đó, có các kênh thoát nước trong làng được làm bằng gốm, nối từng phần, có thể thoát nước thải.
Thời nhà Đường và nhà Tống, các quan chức chủ trương trồng cây xanh để làm xanh môi trường, và đặt ra luật nghiêm khắc không được phép chặt phá.
Ngoài ra, trong thời kỳ dịch bệnh, người xưa cũng sử dụng thuốc khử trùng để ngăn ngừa sự lây nhiễm và lây lan của bệnh tật như sử dụng khói lửa, ngải cứu, thuốc đặc chế xua đuổi muỗi...
8. Phổ biến kiến thức về bệnh dịch
Phổ biến kiến thức về bệnh tật và tăng cường giáo dục y tế là một mắt xích quan trọng trong việc ngăn chặn bệnh dịch, tất cả các triều đại coi trọng.
Trong triều đại Nam Tống, Trung Quốc thành lập cơ sở y tế để đào tạo nhiều đội ngũ thầy thuốc chuyên đi phổ cập kiến thức cho người dân. Vào nhà Nguyên, có những người chịu trách nhiệm biên soạn và xuất bản sách y học.
9. Miễn thuế và giảm tiền thuê nhà, hỗ trợ tài chính cho các vùng bị ảnh hưởng
Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự sống còn của người dân, mà còn mang lại những thiệt hại to lớn cho xã hội, nền kinh tế và sản xuất. Do đó, chiến đấu với bệnh dịch bệnh không chỉ đơn giản là phòng ngừa và chữa bệnh. Nhiều triều đại trong lịch sử Trung Quốc đã thực hiện miễn thuế và giảm tiền thuê trong năm xảy ra đại dịch, giảm gánh nặng cho người dân, và khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế.
Vào năm 67 trước Công nguyên, Hoàng đế của nhà Hán đã ban hành một sắc lệnh sau khi bệnh dịch xảy ra là trợ cấp cho những gia đình có thu hoạch sụt giảm, thành lập quỹ cứu trợ thiên tai cho các nạn thân thông qua chính quyền địa phương.
10. Chôn cất người quá cố đàng hoàng, cứu trợ trẻ mồ côi
Mỗi đại dịch hạch trong lịch sử sẽ cướp đi sinh mạng của vô số người, khiến cho những gia đình ly tán. Do tính chất dễ lây lan của bệnh dịch, các xác chết không được chôn cất đúng cách sẽ càng làm lây lan và gây nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình và môi trường.
Vào thời Tây Hán, Hoàng đế đã ban hành sắc lệnh chi trả phí mai táng tùy theo số người chết vì bệnh dịch cho mỗi gia đình. Nhà Đường rất chú ý trong việc chôn cất xác chết trong thời kỳ dịch hạch. Trẻ em bị mồ côi dưới 12 tuổi, người thân chịu trách nhiệm nuôi dưỡng và nhà nước sẽ hỗ trợ phần ăn.