Nhà bỗng thành "ngục tù" với người lớn tuổi thời dịch, ông bà bố mẹ dễ đối mặt với tâm bệnh nghiêm trọng

Dịch bệnh xuất hiện tạo nên nhiều biến chuyển lớn trong cuộc sống thường ngày của con người. Một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng về mặt tinh thần nghiêm trọng nhất chính là ông bà bố mẹ, những thành viên lớn tuổi trong gia đình chúng ta.

Những tưởng dịch bệnh, Covid-19 là một ví dụ, chỉ là thứ có thể đe dọa đến sức khỏe về thể chất của con người mà thôi thì sau gần 2 năm nó xuất hiện, quả thực đã có rất nhiều thay đổi do ảnh hưởng nó mang đến. Không nói đâu xa xôi, lớn lao như các tác động về kinh tế, xã hội, ngay trong chính gia đình nhỏ bé của chúng ta cũng đã nhận thấy nhiều sự biến chuyển lớn.

Có thể kể đến ngay là việc chúng ta bắt đầu học tập và làm quen với những thói quen mới thời dịch bao gồm đeo khẩu trang gần như mọi lúc, mọi nơi, thường xuyên rửa/sát khuẩn tay, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc nơi đông người hay làm việc (online) tại nhà... Chúng (những thói quen tốt giúp chúng ta phòng tránh nguy cơ bị lây nhiễm) thực sự đã đem đến ảnh hưởng tích cực cho công cuộc chống lại dịch bệnh nhưng đôi khi nó cũng tạo ra các "làn sóng ngầm", tác động đến sức khỏe tinh thần của con người.

Một trong các đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ "làn sóng ngầm" này có lẽ là ông bà bố mẹ, những thành viên lớn tuổi trong gia đình của chúng ta. 

Các vấn đề sức khỏe tinh thần người lớn tuổi có thể gặp phải

Theo PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, "trong mùa dịch không chỉ người trẻ tuổi mà người lớn tuổi cũng bị hạn chế giao tiếp, hạn chế ra ngoài, đặc biệt là ở những khu vực, vùng dân cư có nguy cơ cao. Khi đó, người cao tuổi sẽ gặp các vấn đề rối loạn về sức khỏe tinh thần, chẳng hạn như họ sẽ cảm thấy rất lo lắng, buồn rầu. Hai hội chứng thường gặp nhất là rối loạn trầm cảm, lo âu và bệnh cô đơn".

Trong đó, chứng rối loạn trầm cảm, lo âu có thể làm cho các bệnh lý nền của người cao tuổi có xu hướng nặng lên. "Bệnh cô đơn", tức là bị cô lập khỏi gia đình, xã hội, người cảm giác như mình bị bỏ rơi, không có ai để chia sẻ, bấu víu vào xung quanh.

Trầm cảm và rối loạn lo âu là hội chứng thường gặp hơn cả ở người lớn tuổi không chỉ trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Theo BS. Thanh, sự thay đổi trong cuộc sống khiến người lớn tuổi có nhiều lo lắng hơn, "có những ông bà thấy rằng mình có ít tác dụng hơn với gia đình, xã hội và khoảng cách với con cháu, đặc biệt là trong mùa dịch lại làm cho lo lắng ấy càng nặng lên". Nếu những lo lắng này diễn ra trong một khoảng thời gian dài, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, làm giảm các hoạt động, việc tiếp xúc và sinh hoạt hàng ngày cơ bản của người lớn tuổi, dẫn đến một số bệnh lý thì đó chính là bệnh lý trầm cảm, rối loạn lo âu.

Trong mùa dịch, việc bảo vệ người cao tuổi không bị nhiễm Covid-19 rất quan trọng, chính vì thế, nhiều người trẻ thường "cách ly" ông bà bố mẹ tại nhà, thậm chí hạn chế tiếp xúc với họ vì lo sợ rằng chúng ta hay ra ngoài, đi làm, tiếp xúc với nhiều người. Điều này vô tình gây ra những vấn đề đối với sức khỏe tinh thần của người cao tuổi, biến nhà trở thành "ngục tù" đối với họ.

Người trẻ cần làm gì để bảo vệ người lớn tuổi trong gia đình trước các vấn đề sức khỏe tinh thần?

Vì vậy, để phòng tránh các vấn đề về sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi, con cháu chúng ta cần lưu ý một số điểm dưới đây.

- Tạo ra cảm giác yên tâm bằng sự chia sẻ: Trong trường hợp ông bà bố mẹ ở cùng nhà thì chúng ta cần tiến hành đầy đủ các bước vệ sinh, khử khuẩn trước khi lại gần để trò chuyện, "giao lưu" với họ. 

- Công bằng trong việc tiếp cận công nghệ với người cao tuổi: Nếu con cháu ở xa ông bà, bố mẹ thì nên hướng dẫn, giúp đỡ họ tiếp cận với sự phát triển của công nghệ và tận dụng những lợi thế của thời đại 4.0 để có thể trò chuyện trực tuyến với con cháu và những người bạn bè, người thân khác.

- Thiết lập một khung giờ được gọi là "giờ gia đình" (family hours): Đến giờ ấy, không ai (con cháu) dùng điện thoại, xem tivi nữa, hoặc phải cùng ông bà bố mẹ xem tivi, cùng thảo luận 1 chủ đề.

- Nói "Không" với "miệt thị về tuổi": Người lớn tuổi thường nghĩ là mình chậm hơn, không theo kịp, lạc hậu hơn con cháu. Việc con cháu nói ra những câu như "giờ khác xưa rồi, không giống như trước nữa đâu..." vô tình kéo dài thêm khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình. Điều này tốt nhất là không nên làm.

Nhà bỗng thành ngục tù với người lớn tuổi thời dịch, ông bà bố mẹ dễ đối mặt với tâm bệnh nghiêm trọng - Ảnh 3.