Tuyến tiền liệt là cơ quan riêng biệt của nam giới, không chỉ tham gia cấu thành niệu đạo mà còn là một trong những tuyến sinh dục quan trọng. Tuyến tiền liệt có những đặc thù nhất định, nó thuộc cả hệ tiết niệu lẫn hệ sinh dục của nam giới.
Tuyến tiền liệt quan trọng như thế nào đối với cơ thể nam giới?
Hiện nay tuyến tiền liệt được cho rằng chủ yếu có các chức năng sau:
1. Tiết ra dịch tuyến tiền liệt, tham gia vào thành phần của tinh dịch, cung cấp dinh dưỡng cho tinh trùng và tạo điều kiện cho tinh trùng di chuyển, đây là chức năng chính của tuyến tiền liệt.
2. Tuyến tiền liệt rất giàu 5-alpha-reductase, có thể chuyển đổi testosterone thành dihydrotestosterone (DHT). DHT đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của tăng sản lành tính tuyến tiền liệt.
3. Kiểm soát việc đi tiểu. Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo, và các sợi cơ trơn tròn của nó tham gia vào quá trình hình thành cơ vòng niệu đạo bên trong. Khi đi tiểu, cơ ức chế bàng quang co lại, cơ thắt niệu đạo giãn ra, nước tiểu được thải ra ngoài một cách thuận lợi.
4. Chức năng vận chuyển. Khi xuất tinh, các chất chứa trong ống dẫn tinh và túi tinh được thải vào phần này của niệu đạo, sau đó được thải ra ngoài cơ thể.
Tuyến tiền liệt chỉ là một cơ quan nhỏ trong cơ thể con người nhưng hầu như tất cả nam giới trưởng thành đều sẽ chịu tác động của nó. Thanh niên là đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh viêm tuyến tiền liệt cấp tính và mãn tính cao. Về già, ở nam giới có thể xuất hiện u xơ và ung thư tuyến tiền liệt, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Làm thế nào để bảo vệ tuyến tiền liệt khỏi nguy cơ mắc bệnh?
Tuyến tiền liệt tuy nhỏ nhưng có thể gây ra rắc rối lớn nếu không được bảo vệ. Bác sĩ Vương Chí Hoa (Phó khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đồng Tế, Trường Y tế Đồng Tế, Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung) đã chỉ ra 8 thói quen gây ảnh hưởng xấu tới tuyến tiền liệt mà nam giới cần tránh.
1. Hút thuốc
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh tuyến tiền liệt ở người hút thuốc cao hơn người không hút thuốc từ 1 đến 2 lần, càng hút nhiều thuốc lá thì càng gây tổn thương cho tuyến tiền liệt.
2. Chế độ ăn uống không lành mạnh
Thường xuyên tiêu thụ thực phẩm cay, có tính axit và uống rượu mạnh trong thời gian dài có thể gây giãn nở mạch máu, thúc đẩy tắc nghẽn tuyến tiền liệt và gây viêm tuyến tiền liệt.
Béo phì cũng liên quan đến bệnh tuyến tiền liệt. Việc tăng tổng lượng protein và chất béo cũng có thể làm tăng nguy cơ tăng sản tuyến tiền liệt và phẫu thuật tuyến tiền liệt; trong khi rau, trái cây, axit béo không bão hòa đa và vitamin D có khả năng làm giảm tăng sản tuyến tiền liệt.
3. Cảm lạnh
Trong tuyến tiền liệt có chứa nhiều thụ thể adrenergic (hệ hậu hạch giao cảm), dễ gây hưng phấn thần kinh giao cảm khi gặp lạnh, có thể làm cho các tuyến co lại, tăng áp lực trong niệu đạo, gây tiểu tiện khó khăn, ảnh hưởng xấu đến tuyến tiền liệt và gây bệnh.
4. Quan hệ tình dục sai cách
Viêm tuyến tiền liệt cấp tính dễ xảy ra ở những người có quan hệ tình dục nhiều lần trong thời gian ngắn. Ngược lại, những người có ham muốn tình dục mạnh, không thể bài tiết bình thường trong một thời gian dài do một số nguyên nhân, khiến một lượng lớn dịch tuyến tiền liệt bị "tích trữ", dẫn đến việc tuyến tiền liệt bị giãn nở quá mức và tắc nghẽn, cũng có thể gây ra viêm nhiễm.
Ngoài ra, quan hệ tình dục gián đoạn (chẳng hạn như ngừng lại để xuất tinh ngoài) cũng có thể khiến tuyến tiền liệt sung huyết, sưng tấy và gây viêm nhiễm.
5. Các hoạt động chèn ép "cậu nhỏ" cường độ cao và trong thời gian dài
Ngồi lâu hoặc đạp xe quá nhiều sẽ khiến tuyến tiền liệt bị chèn ép, lâu ngày dẫn đến máu lưu thông cục bộ kém và hình thành nên tình trạng sung huyết bị động. Đặc biệt khi đi xe đạp, ma sát giữa yên xe và đáy chậu sẽ kích thích niệu đạo trên và tuyến tiền liệt, thúc đẩy tăng sản mãn tính, cứng, sưng tấy, thậm chí gây viêm mô dưới da, chèn ép niệu đạo và tuyến tiền liệt, dễ gây bệnh về tuyến tiền liệt.
6. Nhiễm trùng
Sau khi một bệnh nhân đến bệnh viện vì đi tiểu nhiều lần, anh ta mua hai ống thông và một lọ glycerin. Khi tiểu khó một chút, anh ta tự đặt ống thông, càng về sau càng đặt ống thường xuyên hơn, và không bỏ được. Sau khi xét nghiệm, có một số lượng lớn các tế bào bạch cầu trong nước tiểu. Hóa ra việc đặt ống thông của chính bệnh nhân đã gây nhiễm trùng, khiến tuyến tiền liệt bị phì đại nặng hơn và đi tiểu khó khăn hơn.
7. Nhịn tiểu
Thường xuyên nhịn tiểu có thể làm cho bàng quang đầy và căng phồng, dẫn đến tiểu yếu và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của tăng sản tuyến tiền liệt.
8. Táo bón
Một lượng lớn phân tích tụ trong trực tràng gây táo bón sẽ làm tình trạng tắc nghẽn của tuyến tiền liệt lân cận trở nên trầm trọng hơn. Đồng thời, những người bị táo bón có xu hướng gắng sức quá mức trong quá trình đại tiện, làm tăng áp lực ổ bụng, chèn ép tuyến tiền liệt, có thể làm cho niệu đạo mỏng hơn và cản trở quá trình tiểu tiện, gây bất lợi cho sức khỏe tuyến tiền liệt.