Ảnh minh họa: Internet
Máu nhiễm mỡ còn có tên gọi khác là mỡ máu cao hay rối loạn chuyển hóa lipid máu là vấn đề sức khỏe thường gặp hiện nay. Trong đó, chế độ ăn uống không hợp lý, thừa chất, ít vận động là nguyên nhân hàng đầu gây béo phì, mỡ máu cao.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhiều trường hợp tăng mỡ trong máu là do chế độ dinh dưỡng chứa nhiều chất béo có hại. Khi có quá nhiều chất béo mà cơ thể không kịp đào thải hay chuyển hóa, chúng sẽ làm tăng lượng mỡ dư thừa. Lượng mỡ máu tích tụ lâu ngày sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở các cơ quan như gan, tim, thận…
Mỡ máu cao thực chất là tình trạng rối loạn mỡ máu, trong đó có bất thường về nồng độ cũng như tính chất của các thành phần lipid máu như: Tăng cholesterol hoặc tăng triglycerid, tăng LDL-C (Cholesterol xấu), giảm HDL-C (Cholesterol tốt),...
Cholesterol lâu ngày có thể dẫn đến vôi hóa, xơ vữa động mạch, gây tắc mạch. Nguy hiểm hơn, người bệnh có thể bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,...Triglyceride có liên quan với bệnh viêm tụy. Ngoài ra, rối loạn lipid máu hay đi kèm với nhiều bệnh lý mạn tính khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì và bệnh gout... Bệnh nặng gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong.
Nguyên nhân gây máu nhiễm mỡ
Mỡ máu cao thường xảy ra ở tuổi trung niên. Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của dinh dưỡng thừa thãi, lối sống thiếu lành mạnh, chứng máu nhiễm mỡ đang có xu hướng trẻ hóa.
Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học:
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây máu nhiễm mỡ. Sử dụng quá nhiều chất béo trong bữa ăn hằng ngày, trong đó thịt bò, thịt bê, thịt lợn, trứng, sữa... chứa nhiều chất béo bão hòa. Các loại thực phẩm đóng hộp, đồ ăn chứa dầu dừa, dầu cọ, bơ, ca cao cũng có hàm lượng chất béo cao. Nếu thường xuyên sử dụng những loại thực phẩm này, nguy cơ cao bị máu nhiễm mỡ.
Béo phì:
Khiến hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao. Đặc biệt, lượng mỡ thừa thường tập trung chủ yếu ở bụng thay vì ở hông hay đùi. Béo phì khiến nồng độ cholesterol tốt (HDL) giảm còn nồng độ cholesterol xấu (LDL) tăng cao dẫn đến máu bị nhiễm mỡ.
Lười vận động:
Ít vận động, thường xuyên nằm hoặc ngồi nhiều một chỗ, nguy cơ bị máu nhiễm mỡ là rất cao.
Thường xuyên căng thẳng, stress:
Dễ gây một số rối loạn trong cơ thể và là một trong những thủ phạm chính gây máu nhiễm mỡ. Ngoài ra, một số người còn có thói quen sử dụng rượu bia, các chất kích thích khiến cho nồng độ cholesterol trong máu tăng cao.
Yếu tố di truyền:
Mỡ máu cao cũng có thể gây ra do yếu tố di truyền. Nếu trong gia đình có ông bà, bố mẹ bị mỡ máu cao, bạn cũng có nguy cơ máu nhiễm mỡ cao hơn bình thường.
Thường xuyên hút thuốc lá:
Hút thuốc lá khiến nồng độ cholesterol tốt trong cơ thể giảm mạnh, gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Do bệnh lý: Một số bệnh lý như tiểu đường, thiểu năng tuyến giáp cũng khiến lượng mỡ trong máu tăng cao hơn.
Ảnh hưởng của tuổi tác và giới tính: Khi bắt đầu bước vào độ tuổi mãn kinh, nồng độ triglyceride và cholesterol xấu ở nữ giới sẽ tăng cao và làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch. Nguyên nhân là do sự thay đổi của hormon estrogen sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất béo và tác động trực tiếp đến các mạch máu.