Khí CO là gì và tại sao lại nguy hiểm?
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Carbon monoxide (CO) là một loại khí không màu, không mùi, không vị và nặng hơn không khí. Khi nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu, khí gas không được đốt cháy hoàn toàn, khí CO sẽ sinh ra.
Nhiều người hôn mê, ngộ độc do dùng máy phát điện mùa mưa bão.
Khí CO có khả năng kết hợp với hemoglobin trong máu gấp 200 lần so với oxy, khiến máu không thể vận chuyển oxy đến các tế bào trong cơ thể. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu oxy cấp tính, gây tổn thương các cơ quan, đặc biệt là não và tim. Ngộ độc khí CO làm cho tế bào não bị tổn thương dẫn đến thoát dịch, phù nề não, bệnh nhân có thể bị mất ý thức, hôn mê sâu, sống thực vật cả đời, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu, điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây ngộ độc khí CO do máy phát điện
Nguyên nhân chính gây ngộ độc khí CO từ máy phát điện là do việc sử dụng máy trong không gian kín, khiến khí CO không thoát ra được mà tích tụ lại, đặc biệt khi sử dụng máy trong thời gian dài hoặc trong môi trường thông gió kém.
Nhiều vụ ngộ độc khí CO đáng tiếc đã xảy ra do người dân sử dụng máy phát điện trong không gian kín như nhà kho, hầm, hoặc trong ô tô đóng kín cửa.
Các nguồn ngộ độc CO phổ biến bao gồm: khói từ đám cháy, lò đốt khí gas, bình nóng lạnh đun bằng khí gas; lò sưởi dầu hỏa, lò nướng than, bếp cắm trại và máy phát điện chạy bằng xăng, dầu hoặc gas; ô tô hoặc các phương tiện khác được để lại trong nhà, nhà kho và gara đỗ xe; đốt rơm, rạ trong những vụ gặt ở gần khu dân cư cũng là nguồn tạo ra một lượng khí CO cao.
Triệu chứng ngộ độc khí CO
Khi hít phải quá nhiều khí CO, cơ thể sẽ có những phản ứng để thích nghi. Tuy nhiên, nếu nồng độ CO quá cao và kéo dài, các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng. Dưới đây là một số triệu chứng điển hình khi bị ngộ độc khí CO:
Giai đoạn đầu: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, khó tập trung, khó thở, thở nhanh, cảm giác tức ngực, tim đập nhanh, huyết áp tăng.
Khí CO hấp thu nhanh vào cơ thể gây ngộ độc, trường hợp nhẹ gây buồn nôn, đau đầu, dễ tưởng nhầm là cảm cúm hay ngộ độc thức ăn, nặng có thể khiến người/vật hít phải bất tỉnh và tử vong.
Giai đoạn nặng: Nạn nhân có thể trở nên bồn chồn, kích động, sau đó mất ý thức, cơ thể co giật liên tục, hôn mê sâu. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong do suy hô hấp và tim mạch.
Biện pháp phòng tránh ngộ độc khí CO
Để phòng tránh ngộ độc khí CO, việc đảm bảo môi trường sống an toàn là điều vô cùng quan trọng. Khi sử dụng máy phát điện, hãy luôn đặt thiết bị ở nơi thông thoáng, cách xa cửa ra vào và cửa sổ ít nhất 6 mét. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng máy để đảm bảo hoạt động ổn định, không xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, việc lắp đặt các thiết bị báo cháy và báo khí CO là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Đối với các thiết bị đốt cháy nhiên liệu khác như bếp gas, lò sưởi, cần đảm bảo chúng được lắp đặt đúng cách và thông gió tốt. Ngoài ra, việc trồng cây xanh cũng góp phần làm sạch không khí và giảm thiểu nguy cơ ngộ độc.
Trong sinh hoạt hàng ngày, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên đảm bảo các thiết bị đốt gas như bếp gas, bình gas được lắp đặt đúng quy cách và thông gió tốt.
Không đốt than, củi trong nhà: Việc đốt than, củi trong nhà kín sẽ sinh ra rất nhiều khí CO, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Chỉ sử dụng lò nướng than, lò sưởi ở ngoài trời (chúng có thể tạo ra carbon monoxide ngay cả khi không có khói); chỉ sử dụng máy phát điện bên ngoài và đảm bảo máy phát điện không ở gần cửa sổ hoặc cửa ra vào, đặt chúng ra xa nhà.
Sau bão số 3, nhiều người dân đổ xô mua máy phát điện.
Không ngủ trong phòng có máy phát điện đang hoạt động: Ngay cả khi cửa sổ mở, nồng độ CO vẫn có thể tăng cao trong khi ngủ.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu phát hiện mùi khí lạ, khó thở, ngay lập tức hãy di chuyển nạn nhân đến nơi thoáng mát, mở cửa sổ để thông gió. Sau đó người dân cần gọi đến Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.