Một vài người vẫn thường coi giấc ngủ trưa là dấu hiệu của sự lười biếng, ít năng lượng thậm chí là gây ra nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới cho thấy, một giấc ngủ ngắn có thể giúp bạn tỉnh táo và nhạy bén hơn, đặc biệt là với những người trên 60 tuổi.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí General Psychiatry cho biết, các nhà khoa học đã xem xét sức khỏe thể chất và nhận thức của 2214 người trên 60 tuổi sống tại các thành phố lớn ở Trung Quốc. Trong số này, có 1534 người thường xuyên ngủ trưa và 680 người còn lại thì không.
Kết quả cho thấy, những người ngủ trưa đạt điểm cao hơn nhiều so với những người không ngủ trưa trong một bài kiểm tra nhận thức nho nhỏ, bao gồm kĩ năng không gian thị giác, khả năng chú ý, khả năng giải quyết vấn đề, trí nhớ, nhận thức vị trí và khả năng nói trôi chảy.
Davian Ramkissoon, giám đốc sức khỏe của Zevo Health, Ireland cho biết: “Giấc ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng học hỏi của bạn. Ngủ trưa giúp não phục hồi sau khi kiệt sức hoặc quá tải thông tin. Trong khi chợp mắt, não sẽ loại bỏ những thông tin không cần thiết ra khỏi vùng lưu trữ tạm thời để chuẩn bị cho thông tin mới được thu nạp”.
Một giấc ngủ ngắn được định nghĩa là ngủ ít nhất 5 phút liên tục nhưng không quá 2 giờ, bất cứ khi nào sau bữa trưa. Theo Katherine Hall, huấn luyện viên giấc ngủ, một giấc ngủ ngắn lý tưởng và lành mạnh nên được thực hiện vào khoảng thời gian từ 1 giờ đến 3 giờ chiều và kéo dài từ 10 đến 30 phút. Giấc ngủ này sẽ khiến bạn cảm thấy tỉnh táo, sẵn sàng giải quyết công việc còn lại của ngày mà không còn cảm giác buồn ngủ, bối rối, mất phương hướng. Hall cũng nói thêm: “Nếu bạn có thể chợp mắt trong một khoảng thời gian dài hơn một chút, chẳng hạn như 60 phút, việc học sẽ được cải thiện rất nhiều. Trong thời gian ngủ này, não sẽ bắt đầu chuyển ký ước từ cơ sở lưu giữ tạm thời – vùng hải mã – đến ngôi nhà vĩnh viễn – vỏ não”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các giấc ngủ ngắn đều tốt cho sức khỏe. Tiến sĩ Abhinav Singh, một chuyên gia về y học giấc ngủ nói tằng, trong khi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấc ngủ trưa cải thiện sự nhanh nhẹn về tinh thần, thì vẫn chưa rõ nó có thể ngăn ngừa suy giảm nhận thức khi con người già đi hay không.
Singh cho biết: “Bất kì người nào cũng có thể hưởng lợi từ một giấc ngủ ngắn vào giữa buổi chiều, đặc biệt là khi đúng với chu kì sinh học tự nhiên của họ. Những giấc ngủ ngắn dưới 30 phút hoặc lâu hơn đã được chứng minh làm tăng sự tỉnh táo, cải thiện hiệu suất nhân thức và tâm trạng cho thời gian còn lại trong ngày”.
Tuy nhiên, những giấc ngủ dài hơn có thể là vấn đề. Ngủ quá 2 giờ cho thấy rằng nhiều bệnh lý sẽ âm thầm phát triển và dẫn đến nhu cầu ngủ trưa ngày càng tăng lên. Nếu bạn thường xuyên ngủ giấc ngủ trưa dài, thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy chất lượng và số lượng giấc ngủ ban đêm không đủ. Nhiều rối loạn giấc ngủ có thể đang bị che giấu và làm suy giảm số lượng, chất lượng giấc ngủ của bạn.
Singh cho biết thêm, cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa để các định xem nhu cầu ngủ nhiều ở người già, bao gồm cả thời gian ngủ trưa có phải là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang cố gắng bù đắp cho tình trạng viêm nhiễm gia tăng liên quan đến suy giảm nhân thức và mất trí nhớ hay không.