Cứ đến cuối giờ chiều, khi ánh nắng gay gắt của mặt trời bắt đầu biến mất, chúng ta không còn xa lạ gì với hình ảnh những đoàn người lái xe đạp chạy quanh qua các con phố. Đạp xe không chỉ là một cách di chuyển nhanh chóng hơn đi bộ, mà không biết từ thuở nào, nó đã trở thành thú vui, sự cảm thụ những giây phút thư thái, bình yên giữa nhịp sống ồn ào và gấp gáp của xã hội hiện nay.
Hơn thế, người ta còn coi việc đạp xe như một cách tập luyện "dân giã". Bạn chẳng cần gì nhiều ngoài một bộ quần áo phù hợp, chiếc xe đạp và tốt nhất là nên có thêm cái mũ bảo hiểm. Chỉ có vậy là đã đủ để tập luyện rồi đấy. Nhưng bạn có bao giờ thắc mắc rằng tại sao chỉ là những động tác đạp lên xuống của 2 chân thôi mà đạp xe lại được coi là một cách tập luyện thể dục, có lợi cho sức khỏe hay không?
Đạp xe có nhiều lợi ích sức khỏe
Nhìn vào lợi ích mà nó mang lại mới thấy, đạp xe tốt cho sức khỏe đến nhường nào.
1. Giữ thân hình cân đối
Đạp xe mỗi ngày đặc biệt là ở cường độ cao giúp giảm lượng chất béo tích tụ trong cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và kiểm soát cân nặng. Không chỉ vậy, đạp xe hỗ trợ bạn xây dựng cơ bắp và cho phép đốt cháy nhiều calo hơn, ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
Nó có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch như đột quỵ, đau tim và huyết áp cao. Đi xe đạp cũng có thể giúp ngăn ngừa các bệnh lý về tiểu đường.
2. Tăng sức mạnh của chân và các khớp
Hoạt động đơn giản này giúp cải thiện chức năng tổng thể ở phần dưới cơ thể và tăng cường sức mạnh cho cơ chân, hông, mông mà không phải tập quá sức, gây căng thẳng cho các khớp.
3. Giữ cột sống dẻo dai
Đạp xe cũng hoạt động các cơ cột sống của bạn, bao gồm cả lưng và bụng. Khi bạn ổn định cơ thể và giữ cho xe đạp thẳng đứng, bạn sẽ cải thiện khả năng cân bằng. Cơ bụng và cơ lưng chắc khỏe hỗ trợ cột sống của bạn, tạo sự ổn định và cải thiện cảm giác thoải mái khi đạp xe.
4. Cải thiện sức khỏe tinh thần
Đạp xe có thể giảm bớt cảm giác căng thẳng, trầm cảm hoặc lo lắng. Tập trung vào con đường khi bạn đang đạp xe giúp phát triển khả năng tập trung và nhận thức. Nếu bạn cảm thấy lờ đờ hoặc uể oải, hãy đạp xe ít nhất 10 phút, nó sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn và giảm mức độ căng thẳng.
5. Ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư
Đạp xe giúp bạn giữ được vóc dáng cân đối, giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm cả ung thư vú. Theo một nghiên cứu năm 2019, duy trì thói quen đạp xe mỗi ngày giúp giảm tác dụng phụ của việc điều trị ung thư, bao gồm cả mệt mỏi và cải thiện chất lượng cuộc sống tổng thể của bệnh nhân ung thư.
... nhưng cũng lắm tai ương khi tập sai
Đạp xe thực sự là môn thể thao thú vị mà bạn không nên bỏ qua, tuy nhiên nó cũng có một số nhược điểm nhất định mà bạn cần lưu ý.
1. Gây đau lưng
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng đạp xe trong thời gian quá dài có thể gây áp lực lên cột sống, gây chèn ép dây thần kinh và dẫn đến tình trạng đau lưng. Với hầu hết các loại xe đạp, bạn phải cúi người để đi, tư thế này được duy trì liên tục, không đổi có thể gây căng thẳng cho lưng trên và lưng dưới.
2. Nén dây thần kinh và động mạch
Một nghiên cứu của Đại học Harvard đã chỉ ra rằng ngồi quá lâu trên yên xe đạp cứng có thể chèn ép dây thần kinh và động mạch ở các cơ quan sinh sản. Việc này khiến một số người đi xe có thể bị rối loạn cương dương hoặc liệt dương (ở nam giới), giảm khoái cảm tình dục đối với nữ giới. Thủ phạm là áp lực liên tục đặt lên các khu vực nhạy cảm khi ngồi trên yên xe.
3. Loãng xương
Đi xe đạp trong thời gian dài cũng có thể có hại cho xương. Tờ New York Times của Mỹ đã có bài so sánh hình ảnh chụp cắt lớp xương của 33 nam vận động viên đua xe đạp (thường xuyên đi xe đạp) với những người đi xe đạp vừa phải ở cùng độ tuổi. Kết quả cho thấy các vận động viên có nhiều nguy cơ bị loãng xương hơn người đi xe đạp vừa phải.
Trên thực tế, một số người đi xe đạp quá lâu, quá thường xuyên ở độ tuổi 20 đã bị thoái hóa cột sống, đây là tiền đề dẫn đến loãng xương.
4. Tiếp xúc với ô nhiễm nhiều hơn
Những người đi xe đạp thường rất dễ bị viêm phổi, đó là kết luận của một nghiên cứu được trình bày tại Đại hội thường niên của Hiệp hội Hô hấp Châu Âu năm 2011 ở Amsterdam. Cụ thể, những người đi xe đạp có lượng carbon đen trong phổi nhiều hơn gấp 2,3 lần so với người đi bộ. Điều này là do người đi xe đạp hít thở sâu hơn và thường xuyên hơn, sẽ kéo thêm chất cặn bã vào phổi của họ.
Vậy nên để giảm thiểu rủi ro do ô nhiễm gây ra, hãy tránh đi xe trên những con đường quá đông đúc để hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí.
Nguồn và ảnh: Healthline, The Nest, Pinterest, Best Sports Lounge