Tiểu Linh năm nay 23 tuổi, mới ra trường và đang có 1 công việc văn phòng với mức lương cao tại Giang Tô (Trung Quốc). Tuy nhiên, quyền lợi đi liền với trách nhiệm, cô thường xuyên phải tăng ca hoặc mang việc về nhà sau giờ hành chính.
Nửa tháng trước, Tiểu Linh lần đầu tiên được cấp trên giao dẫn dắt 1 dự án lớn của công ty. Biết cơ hội chứng tỏ năng lực đã đến, cô bắt đầu dồn hết tâm trí lẫn sức lực vào đó. Ngày nào cô cũng tăng ca đến 8 hoặc 9 giờ tối, về đến nhà ăn uống, tắm rửa qua loa xong lại tiếp tục làm việc đến khoảng 1, 2 giờ sáng.
Ảnh minh họa
Đến 1 hôm, đang chạy xe trở về nhà sau khi tăng ca cô bỗng thấy cơ thể mình khác thường, đau đầu nhẹ và hơi ù tai. Nghĩ là mình làm việc quá sức nên cô quyết định ngâm mình nước ấm, uống thuốc giảm đau rồi tự thưởng cho mình 1 ngày đi ngủ sớm.
Sáng hôm sau, toàn bộ vùng xung quanh tai trái của Tiểu Linh đau dữ dội. Có cảm giác mặt cứng đơ, khó cử động nên cô vội vã đi soi gương. Thấy lông mày không thể cử động, khóe miệng lệch sang phải nhưng cô vẫn cố tự trấn an để đi làm. Cho đến khi không thể súc miệng lúc đánh răng cô mới hiểu rằng tình hình nghiêm trọng, lập tức gọi điện xin nghỉ và tới thẳng bệnh viện.
Ảnh minh họa
Trưởng khoa Châm cứu và Phục hồi chức năng cơ thể, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc tỉnh Giang Tô ông Tô Kiến Hoa là người trực tiếp điều trị cho Tiểu Linh. Ông kết luận cô gặp phải chứng liệt dây thần kinh mặt ngoại biên, thường được gọi tắt là liệt mặt.
Hãy cẩn thận với thời tiết thất thường hoặc giao mùa
Tiểu Linh kể lại, khi nghe bác sĩ nhắc đến chứng liệt mặt, cô sợ hãi đến mức suýt bật khóc, liên tục nói lắp bắp. Làm sao 1 người còn trẻ, có sức khỏe tốt như cô có thể mắc căn bệnh này được. Huống hồ, nghe tên bệnh rất đáng sợ, cô lo lắng sẽ không chữa khỏi hoàn toàn hoặc để lại di chứng ảnh hưởng tới ngoại hình.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Tôn Kiến hoa giải thích, thực chất chứng liệt mặt không phải là kiểu “bệnh của người già” như nhiều người vẫn nghĩ. Bệnh này rất phổ biến ở người trẻ tuổi, nếu xét trung bình thì thường xảy ra ở nhóm tuổi từ 20 - 40. Trong đó những người trẻ lại thường có di chứng nhiều hơn do chủ quan, không đi chữa trị kịp thời.
Về mặt y học, bệnh liệt mặt là tình trạng tê liệt cơ mặt do viêm không đặc hiệu của dây thần kinh mặt trong lớp màng đệm. Các triệu chứng lâm sàng là liệt cơ như không thể nhăn trán, không mở hoặc không nhắm mắt được hoàn toàn, không di chuyển được lông mày, méo miệng… Giống như Tiểu Linh, 1 số bệnh nhân còn bị đau tai hay đau xương chũm 1 - 2 ngày trước khi bệnh khởi phát.
Ông cho biết thêm, bệnh này xảy ra quanh năm, nhưng hay gặp hơn khi chuyển mùa, nhất là mùa xuân chuyển dần sang hè. Nguyên nhân là do khí hậu thay đổi, nóng lạnh xen kẽ, virus, vi khuẩn hoạt động mạnh. Nhân cơ hội này chúng sẽ xâm nhiễm gây viêm và phù dây thần kinh mặt, làm tổn thương dây thần kinh mặt, từ đó gây liệt mặt.
Với trường hợp của Tiểu Linh, may mắn là cô đến bệnh viện kịp thời. Sau gần 2 tuần điều trị ngoại trú, cô gần như đã bình phục hoàn toàn. Đặc biệt không để lại bất kỳ di chứng nào như cô lo lắng trước đó. Tuy nhiên, đây cũng là 1 bài học đắt giá để cô cẩn trọng hơn trong thời tiết giao mùa.
Bác sĩ Tôn cũng nhắc nhở, hiện tại là thời điểm dễ gây liệt mặt nhất. Thời tiết ẩm ương và độ ẩm rất cao nên khi ra đường luôn cần chuẩn bị khăn, áo ấm, khẩu trang che mặt khi ra ngoài. Buổi tối lúc mới đi ngủ có thể nóng nhưng đêm về sáng sẽ lạnh, không nên ngủ khỏa thân hay để quạt hoặc điều hòa thổi trực tiếp vào vùng đầu, mặt.
Với những người trẻ tuổi, nên hạn chế đi ra đường vào ban đêm, đặc biệt là chạy xe nhanh, mặc đồ thiếu ấm. Đồng thời, hãy ăn uống lành mạnh, đừng thức khuya và làm việc quá sức để duy trì sức đề kháng, hạn chế vi khuẩn, virus tấn công.
Nguồn và ảnh: QQ, Healthline, Doctor Family