Ám ảnh bệnh nhân trẻ
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Tiến – trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết ông vừa tiếp nhận điều trị cho 1 ca bệnh ung thư đặc biệt. Bệnh nhân còn rất trẻ mới chỉ 17 tuổi, nhà ở TP.HCM. Thời gian gần đây, bệnh nhân có dấu hiệu đau bụng, kinh nguyệt nhiều nhưng đang trong kỳ thi học kỳ II nên âm thầm chịu đựng.
Chỉ khi thi xong học kỳ II, cháu mới nói với mẹ về bất thường của mình. Ngay ngày hôm sau, cả nhà đưa con tới Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám.
“Sau khi làm tất cả xét nghiệm khẩn cấp một bác sĩ đã mời tôi hội chẩn và tôi đã đích thân khám cho cháu bé. Mới nhìn vào MRI vùng chậu tôi giật bắn người: ở vùng cổ tử cung có một khối bướu rất to khoảng 4-5cm lan ra 2 bên gần xát vách chậu. Với tuổi trẻ như vậy kinh nghiệm cho thấy đây là dấu hiệu ác tính. Cần sinh thiết nhưng bệnh nhân còn quá trẻ và chưa quan hệ tình dục thì làm sao sinh thiết cổ tử cung được?” – bác sĩ Tiến cho biết.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Tiến đã mời tất cả mọi người trong gia đình cháu bé gồm bố mẹ, anh chị cháu vào phòng để nói chuyện. Bệnh nhân có một bướu khá to ở cổ tử cung đang chảy máu nhiều, phải bắt buộc điều trị bằng phẫu thuật, nếu là lành tính thì chỉ cắt bướu, nếu là ác tính thì phải cắt bỏ hết tử cung, đồng nghĩa sẽ không có con được nếu lấy chồng sau này. Tuy nhiên vì con chưa quan hệ tình dục nên không thể sinh thiết bướu được, nên bắt buộc phải cắt bỏ màng trinh mới lấy được bướu...
Nói tới đây, cô gái khóc nấc lên, cha mẹ, anh chị cũng đều khóc và bác sĩ cũng không thể cầm lòng. Bác sĩ Tiến cho biết bệnh nhân còn quá trẻ, tuy nhiên, ung thư không trừ 1 ai nhưng với những bệnh nhân trẻ luôn khiến bác sĩ ám ảnh.
Bác sĩ Tiến cho biết vẫn biết ung thư đang trẻ hoá nhưng không ngờ ung thư lại có xu hướng gặp ngày càng trẻ. Đây là ca thứ 2 ung thư cổ tử cung (nghi Sarcom cổ tử cung) ở những đứa trẻ chưa trưởng thành và chưa một lần quan hệ tình dục.
Năm 2019, bác sĩ Tiến cũng phẫu thuật ca ung thư cổ tử cung mới chỉ 14 tuổi, chưa quan hệ tình dục. Ca mổ thất bại và sau 2 đợt hoá trị cháu bé không chịu nổi bệnh tật. Đây thực sự là điều đáng buồn.
Dấu hiệu của bệnh
Bác sĩ Tiến khuyến cáo cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn tới sức khoẻ của con cái đặc biệt là bé gái.
Virus HPV được xem là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung (99,7%), lây truyền qua đường tình dục. Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. Chủng HPV 16 và HPV 18 là 2 chủng có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao nhất, chúng được tìm thấy ở 70% trong tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung. Vì vậy, tiêm vắc xin phòng chống lây nhiễm của virut HPV là biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, vắc xin ngừa HPV đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng từ năm 2007, có hiệu quả phòng tổn thương tiền ung thư cổ tử cung gây ra bởi 2 chủng HPV 16, 18.
Dấu hiệu của ung thư cổ tử cung, theo bác sĩ Tiến, các dấu hiệu đặc trưng đó là rau máu âm đạo bất thường, ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục. Khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu. Bệnh nhân bị đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu. Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng, kinh nguyệt kéo dài, không đều. Bệnh nhân mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân.
Những người cần tầm soát ung thư cổ tử cung là phụ nữ quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi) hoặc quan hệ với nhiều người, dùng thuốc tránh thai kéo dài. Phụ nữ sinh đẻ nhiều (từ trên 4 lần); hút thuốc lá;
Tình trạng suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV, mắc các bệnh lây qua đường tình dục, đặc biệt là viêm sinh dục do nhiễm Trichomonas, Chlamydia trachomatis, Herpes simplex virus type 2 (HSV2)…