Phát hiện nguy cơ suy thận qua những dấu hiệu bất thường khi đi tiểu

Suy thận là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, có thể khiến người bệnh tử vong nếu không điều trị kịp thời. Theo dõi những bất thường khi đi tiểu giúp chúng ta phát hiện sớm nguy cơ suy thận.

Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, thận yếu có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm hoặc khiến thận ngừng hoạt động hoàn toàn. Những biến chứng do thận suy có thể xảy ra bao gồm:

- Giữ nước dẫn đến tình trạng tay chân bị phù, phù phổi cấp, tăng huyết áp.

- Xương yếu, đau mỏi và nguy cơ gãy xương cao.

- Thiếu máu dẫn đến mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn.

- Hệ miễn dịch bị suy giảm khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn.

- Yếu sinh lý, giảm ham muốn tình dục.

- Bệnh tim mạch.

- Hệ thần kinh bị tổn thương gây ra tình trạng co giật.

Tuy nhiên, bệnh lý này thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu, khi tình trạng bệnh còn nhẹ. Đến khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn trễ.

Bằng cách theo dõi các triệu chứng bất thường dưới đây khi đi tiểu có thể giúp phát hiện sớm nguy cơ suy thận

Nước tiểu có bọt

Nước tiểu có bọt cũng có thể chỉ ra tình trạng có quá nhiều protein trong nước tiểu, ví dụ như albumin. Thông thường, thận lọc nước dư thừa và các chất cặn bã từ máu vào nước tiểu. Protein và những thành phần quan trọng khác mà cơ thể cần có kích thước quá lớn so với lỗ lọc ở cầu thận, do vậy chúng vẫn được giữ lại trong máu. Khi thận bị tổn thương sẽ không còn đảm bảo được chức năng hợp lí. Tổn thương thận có thể khiến quá nhiều protein bị rò rỉ ra nước tiểu, và dẫn đến protein niệu. Đây là một dấu hiệu của bệnh thận mạn tính hoặc bệnh thận giai đoạn cuối.

Lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường

Đi tiểu là việc hết sức bình thường với mỗi người để giúp cơ thể đưa các chất thải ra ngoài. Nhưng việc trong một ngày đi tiểu quá nhiều lần dù không uống nhiều nước là một vấn đề không nhỏ bắt nguồn từ suy thận.

Nếu số lần đi tiểu một ngày vượt quá con số 8 lần và lượng nước tiểu mỗi lần thoát ra ít hơn mức 300ml thì chứng tỏ thận bạn đang có vấn đề. Có thể bàng quang hay đường tiết niệu bị viêm nhiễm hoặc do các bệnh lý về thận. Làm suy giảm khả năng lọc máu ở thận. Tình trạng đi tiểu nhiều lần kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người bệnh.

Nước tiểu có mùi hôi

Thông thường, nước tiểu thông thường có mùi khai nhẹ. Nếu mùi hôi xuất hiện ngay khi đi tiểu thì rất có thể thận của bạn đang gặp vấn đề. Nhiễm trùng ngược từ bàng quang lên bể thận có thể gây viêm bể thận, khiến nước tiểu có mùi hôi khó chịu. Đây là bệnh lý nguy hiểm cần được khắc phục kịp thời.

Đi tiểu ra máu

Tiểu ra máu (đái ra máu) là tình trạng nước tiểu có màu đỏ như máu tươi, màu hồng, màu cam, màu nâu,…Đồng thời, người bệnh cũng có cảm giác nóng rát, tiểu buốt vô cùng khó chịu.

Nếu bạn đang băn khoăn đi tiểu ra máu là bệnh gì thì rất có thể đây là triệu chứng chung của một số vấn đề bao gồm: Sỏi thận, viêm cầu thận, viêm thận, thận đa nang, lao thận, nhồi máu thận, ung thư thận...

Các bệnh lý này sẽ trực tiếp gây ra nhiều tác động tiêu cực khiến người bệnh khó chịu và suy giảm sức khỏe.

Tiểu buốt

Tiểu buốt là tình trạng đau buốt tại vùng niệu đạo, bàng quang mỗi khi đi tiểu. Vì xuất hiện tình trạng co buốt nên người bệnh không thể tiểu mạnh thành từng dòng mà chỉ nhỏ từng giọt.

Viêm thận hoặc sỏi thận là nguyên nhân gây tình trạng đi tiểu buốt, tiểu đau. Nếu như không điều trị kịp thời thì người bệnh sẽ dễ bị bệnh gây ảnh hưởng đến chức năng thận, suy giảm khả năng lọc máu.

Đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là tiểu đêm

Thường thì vào ban đêm số lần đi tiểu là 2 hoặc lượng nước tiểu không quá 1⁄4 so với cả ngày. Khi lượng nước tiểu vượt quá lượng nước tiểu ban ngày hoặc đi tiểu đêm 1 lần/ tiếng thì đó là tiểu nhiều về đêm. Ban ngày đi tiểu bình thường trong khi ban đêm đi tiểu nhiều, đây là đặc điểm của chứng suy thận.

Rối loạn chức năng thận có thể hồi phục tốt nếu phát hiện các dấu hiệu sớm, ngược lại khi bệnh diễn biến nặng có thể gây tăng huyết áp, nhiễm trùng... Vì vậy, hãy cảnh giác với các dấu hiệu bất thường khi đi tiểu và đừng ngần ngại thăm khám bác sĩ nếu có những dấu hiệu nghi ngờ.