Gan là cơ quan thực hiện nhiệm vụ giải độc cho cơ thể, đồng thời cũng là nơi trung chuyển chất dinh dưỡng. Thức ăn được tiêu hóa và hấp thụ rồi vận chuyển vào gan, sau đó được tế bào gan vận chuyển đi khắp cơ thể.
Gan nhiễm mỡ thực chất là do gan hấp thụ chất béo vượt quá khả năng xử lý. Cơ thể phân hủy chất béo khiến cho hàm lượng axit béo tự do trong máu tăng lên, cuối cùng tích tụ lại ở gan, nếu chức năng gan đã bị suy giảm thì rất khó chuyển hóa axit béo.
Bên cạnh chế độ ăn không hợp lý thì việc ăn quá no cũng dễ làm tăng khả năng tích trữ mỡ của gan. Việc giảm cân không đúng cách, để cơ thể ăn bữa đói bữa no không những không giảm được gan nhiễm mỡ mà còn dễ khiến người bệnh có tình trạng trầm trọng hơn. Vậy làm sao để cải thiện tình trạng này?
Nếu bị gan nhiễm mỡ ở mức độ trung bình hoặc nặng, bạn cần đi khám và điều trị ngay lập tức. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, mấu chốt của việc điều trị gan nhiễm mỡ là “ăn uống” và “vân động”.
Trước hết, để giảm bớt gánh nặng cho gan, người bệnh gan nhiễm mỡ tốt nhất nên tuân thủ nguyên tắc chia nhỏ bữa ăn và không nên ăn quá no cùng một lúc. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý ăn ít đồ chiên, quay, rán và tốt nhất là tránh xa đồ ăn nhiều dầu mỡ và chất béo. Tổng năng lượng nên nạp vào cơ thể 1 ngày nên giảm từ 500 đến 1000 kcal dựa trên thực đơn ban đầu của bạn.
Điều quan trọng nhất của người mắc gan nhiễm mỡ là phải kiêng rượu. Gan nhiễm mỡ tức là gan đã bị tổn thương, nếu tiếp tục uống rượu bia thì chỉ càng đẩy nhanh quá trình suy thoái của gan.
Cuối cùng, bạn cần đảm bảo rằng việc tập thể dục cường độ cao nên được duy trì hơn 4 lần/tuần, đặc biệt là thể dục nhịp điệu, chẳng hạn như chạy bộ hay đạp xe… Thời gian tập thể dục mỗi tuần ít nhất là khoảng 150 phút.