Quý ông đổ xô săn lùng thuốc giải rượu đánh bay nồng độ cồn trong máu: Bộ Y tế nói gì?

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế lên tiếng về loại thuốc giải rượu đánh bay nồng độ cồn trong máu đang được nhiều người săn lùng.

Kể từ 1/1/2020 khi lái xe mà có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt sẽ rất nặng.

Ngay lập tức, trên thị trường lập tức xuất hiện nhiều loại thuốc giải rượu với lời quảng cáo “tẩy hết nồng độ cồn” hay sản phẩm giải rượu được quảng cáo rất “thần tiên” giúp bạn tỉnh táo...

Quý ông đổ xô săn lùng thuốc giải rượu đánh bay nồng độ cồn trong máu: Bộ Y tế nói gì? - 1

Một sản phẩm thuốc giải rượu được quảng cáo tẩy hết nồng độ cồn

Để làm rõ thực hư “thuốc giải rượu tẩy hết nồng độ cồn”, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế khẳng định: “Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hoá, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở. Tại Việt Nam chưa có một sản phẩm nào có có công dụng tẩy hết nồng độ cồn, giúp bạn tỉnh táo”.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý Dược, ngay cả thế giới cũng chưa có loại thuốc nào có công dụng như lời đồn thổi.

Các chuyên gia trong lĩnh vực dược cũng cho biết, các sản phẩm giải rượu ức chế sự hấp thu rượu, tăng đào thải như lợi tiểu. Nhưng nếu uống quá nhiều rượu thì không thuốc nào giải được. Thuốc không thể giải quyết được vấn đề cồn trong máu, trong hơi thở.

“Mọi người nên bỏ ngay suy nghĩ đã uống thuốc giải rượu nên uống rượu bao nhiêu cũng được”, các chuyên gia khuyến cáo.

Bộ Y tế khuyến cáo, nam giới khỏe mạnh không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không quá một đơn vị cồn mỗi ngày và uống dưới 5 ngày/tuần. (Một đơn vị cồn có thể hiểu tương đương 10 gam cồn nguyên chất, khoảng 3/4 lon bia 330ml (5%), một ly rượu vang 100ml (13,5%) hay một chén rượu mạnh 30ml (40%). Vì uống như vậy phải mất ít nhất 4 giờ mới có thể lái được xe.

Trước đó, Nghị định số 100/2019 điều chỉnh theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia áp dụng từ 1/1/2020 quy định:

- Với lái xe có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0.25 mg/1 lít khí thở: Phạt tiền từ 80.000 đến 100.000 đồng đối với xe đạp và xe đạp điện; Phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với xe máy; Phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10 đến 12 tháng đối với ô tô.

- Nếu nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0.25 mg đến 0.4 mg/1 lít khí thở: Phạt từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với xe đạp; Phạt từ 4 triệu đến 5 triệu đồng đối với xe máy; Phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng kèm tước giấy phép lái xe từ 16 đến 18 tháng đối với ô tô.

- Nếu nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0.4 mg/1 lít khí thở: Phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng với xe đạp; Phạt từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với xe máy; Phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 đến 24 tháng đối với ô tô.