Trước sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến chủng kép B.1.617, mỗi ngày Ấn Độ có hàng nghìn ca mắc COVID-19 mới, khiến cho hệ thống y tế có nguy cơ quá tải rất cao.
Theo đánh giá và xếp hạng của Viện Legatumm (London, Anh), năm 2020, nền y tế Ấn Độ chỉ đứng thứ 113/167 quốc gia trên thế giới. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước này là một trong những hệ thống tư nhân hóa nhất trên thế giới và phần lớn không được kiểm soát.
Theo Bộ trưởng Bộ Y Tế Ấn Độ, năm 2017 có tổng số 1.022.859 bác sĩ y khoa tốt nghiệp và công tác tại Ấn Độ. Sau khi xem xét các yếu tố khác thì cứ 1.000 người dân Ấn Độ sẽ có 0,77 người là bác sĩ. Bộ trưởng cũng cho biết, mục tiêu của chính phủ là tăng lượng bác sĩ trong nước để cải thiện tỉ lệ đang quá chênh lệch ở trên. Tỉ lệ này là rất thấp so với các quốc gia khác trên thế giới như: Úc là 3,374/1.000; Brazil là 1,852/1.000; Trung Quốc là 1,49/1.000; Pháp là 3,227/1.000; Đức là 4,125/1.000; Nga là 3,306/1.000; Hoa Kỳ là 2,554/1.000.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất y khoa, cụ thể là giường bệnh ở đất nước này cũng chưa được đảm bảo. Dân số Ấn Độ là 1,3 tỷ người. Nhưng cứ 1000 dân thì chỉ có 0,5 giường bệnh có thể phục vụ. Chỉ số giường bệnh là chỉ số đo lường các nguồn lực sẵn có để cung cấp dịch vụ giường bệnh, nhân viên và khả năng sử dụng ngay lập tức khi điều trị nội trú trong bệnh viện. Tổng số giường bệnh sẽ bao gồm giường chăm sóc điều trị, giường chăm sóc phục hồi chức năng, giường chăm sóc dài hạn và các giường khác. Chỉ số trên được tính theo số giường chăm sóc điều trị. So với các quốc gia khác trên thế giới cùng năm 2017, đây là con số cực kì thấp khi tỷ lệ ở Hoa Kỳ là 2,9 giường/1.000 người, Trung Quốc là 4.3 giường/1.000 người, Đức là 8 giường/1.000 người và Nhật Bản với con số khá cao là 13 giường/1.000 người.
So sánh cụ thể hơn với Nhật Bản dưới nhiều góc độ y tế, có thể thấy Ấn Độ cần khắc phục rất nhiều vấn đề để sức khỏe người dân có thể cải thiện hơn. Số liệu (sắp xếp lần lượt theo thứ tự Ấn Độ - Nhật Bản) được cập nhật trong tháng 4 năm 2021 cho thấy:
- Chỉ số Hệ thống chăm sóc sức khỏe: 71, 21% – 80,71%
- Kĩ năng và năng lực của nhân viên y tế: 71,21% – 80,71%
- Trang thiết bị chuẩn đoán và điều trị hiện đại: 72,56% – 85,78%
- Sự thân thiện và lịch sự của nhân viên: 64,26% – 85,94%
- Khả năng áp ứng (chờ đợi) trong các cơ sở y tế: 56,85% – 72, 38%
- Sự hài lòng với chi phí: 56,26% – 74,38%
Mặc dù, hiến pháp của Ấn Độ bắt buộc chính phủ phải đảm bảo “quyền được chăm sóc sức khỏe” cho tất cả mọi người, nhưng chỉ có khoảng 473 triệu người trên tổng số 1,3 tỷ dân có bảo hiểm y tế. Chứng tỏ, số lượng người dân chưa có bảo hiểm y tế còn rất nhiều. Thêm vào đó, tỷ lệ nghèo đói gia tăng đáng kể và một bộ phận lớn người dân không thể tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng.
Lý do khiến cho mức độ thâm nhập và bao phủ của bảo hiểm y tế tại đất nước này thấp đến mức như vậy là do ngành bảo hiểm thiếu sự cạnh tranh. Về nguyên tắc, các dịch vụ y tế của chính phủ được cung cấp cho mọi công dân theo hệ thống công do thuế tài trợ. Trên thực tế, những trở ngại trong việc tiếp cận dịch vụ y tế này buộc các hộ gia đình phải tìm đến dịch vụ tư nhân, khiến việc chi trả bằng tiền túi rất cao.
Bên cạnh những yếu tố cốt yếu trên, tỷ lệ phân bổ y tế giữa nông thôn và thành thị ở Ấn Độ cũng vô cùng khác biệt. Bất bình đẳng trong việc chăm sóc sức khỏe ở đất nước này xuất phát từ các yếu tố như địa vị kinh tế xã hội và đẳng cấp, trong đó đẳng cấp đóng vai trò là yếu tố xã hội quyết định đối cho việc chăm lo sức khỏe.
Đứng trước đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các chuyên gia cho biết xu hướng gia tăng ngày càng nghiêm trọng của các bệnh nhiễm trùng có thể bắt nguồn từ hai yếu tố: các đột biến cực kỳ độc hại của virus gốc và cách tiếp cận lỏng lẻo của đất nước này đối với các vấn đề trong cộng đồng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, một số bang của Ấn Độ đã thông báo tình trạng thiếu oxy y tế trầm trọng, trong khi các bệnh viện trên khắp đất nước đang phải vật lộn để cung cấp đủ giường cho bệnh nhân. Ở một số nơi, bệnh nhân COVID-19 dạng nặng đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo giường nằm trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU). Chủ nhật vừa qua, chính quyền Delhi cho biết khoảng 1500 giường được trang bị oxy sẽ hoạt động trong vòng 1 hoặc 2 ngày tại hai khu liên hợp thể thao và trường học ở Ấn Độ.
Cũng trong bối cảnh virus gia tăng, chính quyền các bang đã kêu gọi cung cấp thêm oxy và thuốc điều trị. Chính phủ liên bang cho biết, các chuyến tàu đặc biệt sẽ vận chuyển oxy đến các bang đang thiếu trầm trọng và việc sử dụng oxy cho các mục đích công nghiệp sẽ bị hạn chế. Trước tình trạng thiếu hụt oxy này, một số người buộc phải liều mình mua thuốc và oxy từ chợ đen để duy trì sự sống.