Công trình được dẫn đầu bởi bác sĩ ung thư nhi khoa Ayumu Arakawa từ Bệnh viện Trung tâm Ung thư Quốc gia ở Tokyo, Nhật Bản.
Các ca bệnh là một bé trai 23 tháng tuổi, đến bệnh viện vì tình trạng ho không thuyên giảm trong 2 tuần và một bé trai khác 6 tuổi, đến bệnh viện vì đau ngực. Cả 2 bé được chẩn đoán mắc ung thư phổi.
Ảnh đồ họa của nhóm tác giả mô tả con đường lây truyền từ mẹ sang con trong bệnh ung thư cổ tử cung. Các tế bào ung thư (màu đỏ) nằm trong chất lỏng ở ống sinh (màu xanh) có thể tiếp xúc với đứa bé khi bé đang thoát khỏi bụng mẹ, đi vào đường thở khi bé hít chất lỏng đó
Theo Live Science, mẹ của cậu bé 23 tháng được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung 3 tháng sau khi sinh bé, nhưng được cho là đã có khối u phát triển từ lúc cô sinh con. Dù tích cực điều trị cho 2 mẹ con nhưng chỉ có bệnh ung thư của cậu bé thuyên giảm, người mẹ đã qua đời 5 tháng sau đó.
Còn mẹ cậu bé 6 tuổi đã được xác định có khối u khi đang mang thai, nhưng lúc đó BS cho rằng nó ổn định nên không điều trị. Sau khi sinh, kết quả sinh thiết cho thấy cô thực sự bị ung thư cổ tử cung và mất 2 năm sau phẫu trị. Cậu bé 6 tuổi phải cắt bỏ phổi trái và hóa trị, nhưng đã khỏi bệnh hoàn toàn.
Các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm mối liên kết bằng cách so sánh các mô khối u và mô bình thường ở các cặp mẹ con, đặc biệt là đột biến trong 114 gene liên quan đến ung thư. Kết quả cho thấy khối u phổi của các bé trai trùng khớp về mặt di truyền với khối u cổ tử cung của mẹ chúng.
Science Alert trích dẫn phân tích của bác sĩ Arakawa: "Sự lây truyền từ mẹ sang con xảy ra trong ống sinh khi sinh ngả âm đạo. Nếu mẹ bị ung thư cổ tử cung, trẻ sơ sinh có thể tiếp xúc với các tế bào khối u trong chất lỏng nơi ống sinh và hít các tế bào này vào phổi". Trong khi đó, thế giới từng ghi nhận các trường hợp lấy truyền ung thư từ mẹ sang con qua nhau thai, liên quan đến một số dạng ung thư não, xương, gan…
Theo New Scientist, những trường hợp lây truyền ung thư từ mẹ sang con như vậy là rất hiếm. Cứ 1.000 ca sinh sống trên thế giới thì 1 ca có mẹ bị ung thư, và cứ 500.000 bà mẹ bị ung thư thì có 1 ca lây truyền cho trẻ sơ sinh. Nhưng sự lây truyền này đủ cho thấy rất cần tầm soát kỹ càng các bà mẹ có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung, có biện pháp dự phòng phù hợp trong thai kỳ để phòng tránh nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.