"Sốc" trước hàng loạt di chứng hậu Covid mà cô gái 22 tuổi phải chịu đựng, gặp trường hợp tương tự, nên làm gì?

"Ai rồi cũng sẽ F0 thôi, đó là câu nói mình nghe rất nhiều gần đây, nhưng các bạn đừng chủ quan, hậu Covid mới thực sự nguy hiểm", Khánh Linh (22 tuổi, Hà Nội) sau khi khỏi bệnh được hơn 1 tháng chia sẻ.

Mắc Covid-19 từ giữa tháng 1/2022, cô nàng Khánh Linh (22 tuổi, Hà Nội) may mắn có kết quả xét nghiệm chuyển sang âm tính chỉ sau 5 ngày điều trị. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng khỏi bệnh, Khánh Linh vẫn phải chịu đựng những di chứng được cô nàng cho là do Covid-19 để lại.

Mở đầu đoạn clip của mình trên trang cá nhân TikTok, Khánh Linh chia sẻ: ''Ai rồi cũng sẽ F0 thôi, đó là câu nói mình nghe được nhiều nhất trong thời gian vừa qua, nhưng các bạn đừng chủ quan, hậu Covid mới thực sự nguy hiểm''.

Theo Khánh Linh, dù đã được tiêm đủ 3 mũi vắc xin nhưng sau khi kết quả xét nghiệm đã chuyển sang âm tính, cô nàng bắt đầu gặp phải 5 triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống của mình.

Khánh Linh (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ về những hiện tượng mình gặp phải sau khi xét nghiệm Covid-19 chuyển sang âm tính

Đầu tiên là rụng tóc, trước đó, Khánh Linh chưa từng gặp phải tình trạng rụng tóc nghiêm trọng đến như vậy. Thậm chí, theo lời kể của cô nàng, tóc rụng ''muốn hói cả đầu'' , ''tóc thậm chí còn không mọc lại, sau khi gội đầu tóc rụng thành từng túm, từng nắm''.

Vấn đề thứ 2 là chất lượng giấc ngủ giảm. Bản thân Khánh Linh nhận thấy trước đây cô không gặp phải tình trạng mất ngủ hay khó ngủ, tuy nhiên, sau khi mắc Covid và khỏi bệnh, cô thường xuyên bị tỉnh giấc giữa đêm và gần như không thể ngủ lại được.

Cô nàng cũng rơi vào tình trạng hay quên và mất tập trung. ''Nhiều khi mình đang định nói cái này, định làm cái kia nhưng quay đi 1-2 giây thì mình đã không nhớ là mình muốn nói gì, làm gì'', Khánh Linh chia sẻ.

Sốc trước hàng loạt di chứng hậu Covid mà cô gái 22 tuổi phải chịu đựng, gặp trường hợp tương tự, nên làm gì? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Hụt hơi, khó thở khi nói chuyện và lao động nặng là hiện tượng mà cô kể đến tiếp theo. Dù đã cố gắng cải thiện rất nhiều bằng cách tập các bài tập thở trên mạng và những bài thể dục khác nhưng chỉ cần nói chuyện một lúc Khánh Linh đã cảm thấy không thở được. Đặc biệt, vào buổi tối đi ngủ, có những lúc cô bị bóng đè, cảm giác ''giống như có người đang bóp cổ, không thể thở nổi''.

Triệu chứng cuối cùng mà Khánh Linh gặp phải là rối loạn chu kỳ (kinh nguyệt). ''Trước đây chu kỳ của mình rất đều, khoảng 28 ngày nhưng sau khi bị Covid và khỏi, chu kỳ của mình bị chậm 7 ngày, kỳ tiếp theo đó chỉ còn 20 ngày''.

Dù đã uống rất nhiều thực phẩm chức năng để tăng cường sức đề kháng như kẽm, vitamin C... tập thể dục, uống các loại nước hỗ trợ ngủ ngon hơn... nhưng Khánh Linh vẫn lo lắng, chưa biết các tình trạng trên có thể được cải thiện và biến mất hay không. Do đó, cô nàng lưu ý mọi người tốt nhất không được chủ quan trước dịch bệnh.

Các di chứng ''đáng sợ'' hậu Covid-19

''Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng hậu Covid, thường gặp nhất là có thể do sự xâm nhập của virus vào những tế bào thể men chuyển angiotensine 2 làm rối loạn chuyển hóa, rối loạn cấu trúc của tế bào ở tất cả những cơ quan mang tế bào thể men chuyển angiotensine 2. Ví dụ như tim, thận, não, xương khớp... Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ phản ứng viêm và phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus.

Ngoài ra, có một yếu tố nữa là do tâm lý, những người mắc Covid có thể bị mất người thân, mất việc, bị cách ly... cũng dễ dẫn đến những triệu chứng về thần kinh sau này như trầm cảm, lo âu hậu Covid'', ThS. BS CKII Phùng Thị Phương Anh, Khoa Nội, BVĐK Hồng Ngọc cho biết.

Nguyên nhân gây ra những triệu chứng hậu Covid

Theo BS CKI Đinh Quốc Anh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK Hồng Ngọc, di chứng hậu Covid là một hội chứng xảy ra ở một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân đã khỏi bệnh và được đặc trưng bởi các triệu chứng lâm sàng sau 4 tuần kể từ khi bắt đầu các triệu chứng cấp tính. 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã tổng hợp báo cáo "các tình trạng sau COVID" bao gồm: Mệt mỏi; Thở gấp hoặc khó thở; Ho; Đau khớp; Đau ngực; Các vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung hoặc giấc ngủ; Đau cơ hoặc đau đầu; Nhịp tim nhanh hoặc đập thình thịch; Mất mùi hoặc vị; Trầm cảm hoặc lo lắng; Sốt; Chóng mặt khi đứng lâu… Các triệu chứng tồi tệ hơn sau khi hoạt động thể chất hoặc tinh thần.

Sốc trước hàng loạt di chứng hậu Covid mà cô gái 22 tuổi phải chịu đựng, gặp trường hợp tương tự, nên làm gì? - Ảnh 4.

BS CKI Đinh Quốc Anh - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK Hồng Ngọc

Các tình trạng này có thể kéo dài hàng tuần đến hàng tháng và tác động đa cơ quan bao gồm các biểu hiện lâm sàng liên quan đến hệ thống tim mạch, phổi, thận và thần kinh trung ương… Ảnh hưởng này tương tự như các trường hợp nhiễm trùng nặng dẫn đến suy nhược cực độ và thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Gặp các triệu chứng hậu Covid nên làm gì?

Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Sandeep Lahoti, Quản lý Phòng khám Phục hồi hậu Covid-19 thuộc Bệnh viện Houston Methodist (Mỹ) cho rằng khi gặp các triệu chứng hậu Covid, tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ. Ông giải thích: "Bác sĩ có thể chẩn đoán mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hậu Covid của bạn, giúp điều trị những triệu chứng nhẹ và gợi ý bạn đến bác sĩ chuyên khoa để điều trị bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào''.

Sốc trước hàng loạt di chứng hậu Covid mà cô gái 22 tuổi phải chịu đựng, gặp trường hợp tương tự, nên làm gì? - Ảnh 5.

BVĐK Hồng Ngọc tiên phong triển khai dịch vụ chăm sóc sức khỏe bệnh nhân hậu Covid

Ngoài ra, bác sĩ Lahoti nhắc nhở: ''Với những gì chúng ta đang thấy ở những tác động lâu dài mà Covid-19 có thể gây ra đối với người bệnh, ngay cả những người chỉ có các triệu chứng nhẹ, thì chúng ta càng có nhiều lý do để tiếp tục thực hiện các bước phòng tránh, giảm nguy cơ mắc bệnh''. Cụ thể, bao gồm: 

- Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người, đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.

- Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.

- Không tụ tập đông người.

https://ahadep.com/soc-truoc-hang-loat-di-chung-hau-covid-ma-co-gai-22-tuoi-phai-chiu-dung-gap-truong-hop-tuong-tu-nen-lam-gi-20220217154846983.chn