Công trình từ King's College London (thuộc Đại học London, Anh) đã phân tích dữ liệu của 6.900 người trên khắp thế giưới và phát hiện ra rằng nếu không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc quá thường xuyên, ví dụ như sống cùng với một người có thói quen hút thuốc trong nhà, nguy cơ ung thư miệng của người hút thuốc thụ động tăng 51% so với người không sống cùng người hút thuốc lá.
Ngôi nhà thường xuyên có khói thuốc sẽ làm tăng nguy cơ ung thư miệng lên những người sống cùng - Ảnh minh họa từ Internet
Theo Daily Mail, nguy cơ sẽ tăng nhiều hơn nếu thời gian chung sống với người hút thuốc kéo dài. Nếu sống trong ngôi nhà nhiều khói thuốc 10-15%, nguy cơ ung thư miệng tăng gấp đôi. Mức nguy cơ cao này là do người sống chung với người hút thuốc lá thụ động có tần suất tiếp xúc quá cao.
Một số nghiên cứu trước đó cho thấy việc hút thuốc trong phòng của bạn có thể khiến các chất có hại từ khói thuốc bám lên một số vật dụng nội thất, khiến người khác có nguy cơ bị phơi nhiễm thụ động dù không trực tiếp hít khói.
Theo giáo sư Saman Warnakulasurya, việc xác định các tác hại của việc tiếp xúc khói thuốc thụ động cung cấp hướng dẫn cho các chuyên gia y tế công cộng, các nhà hoạch định chính sách khi họ phát triển và cung cấp các chương trình ngăn ngừa việc hút thuốc lá thụ động.
Các chính sách thường được giới y khoa đề xuất ngoài việc khuyến khích người dùng bỏ thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, xì gà... còn khuyến cáo các phương án nhằm giúp người không hút thuốc không rơi vào tình trạng hút thuốc thụ động, như yêu cầu không hút thuốc trong phòng kín, bố trí riêng khu vực hút thuốc/không hút thuốc ở các quán xá, khu vực công cộng...
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Tobaco Control.