Sức đề kháng – “Chiếc áo giáp” của sức khỏe

Sức đề kháng có vai trò vô cùng quan trọng, được ví như chiếc “áo giáp” giúp bảo vệ sức khỏe, bảo vệ cơ thể trước những tác nhân có thể gây bệnh. Bởi vậy, có một sức đề kháng tốt là điều mà ai cũng mong muốn, và để tăng cường sức đề kháng, mỗi người cần có những hiểu biết đúng và đầy đủ!

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới WHO: “Khỏe mạnh là trạng thái cơ thể không mắc bệnh, không ốm yếu, bên cạnh đó, các yếu tố như thể chất, tinh thần và đời sống xã hội hoàn toàn ở trong trạng thái lành mạnh”.

Như vậy, để có cơ thể khỏe mạnh, chúng ta cần có một sức đề kháng thật tốt để tránh được những tác nhân có thể gây bệnh, đặc biệt là những bệnh về nhiễm trùng. Nếu sức đề kháng kém, hệ miễn dịch cũng trở nên suy yếu, đồng nghĩa với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tăng lên, cùng với đó là nguy cơ mắc bệnh nặng hơn và thời gian lành bệnh cũng lâu hơn bình thường.

Sức đề kháng – “Chiếc áo giáp” của sức khỏe - 1

Làm sao để có sức đề kháng tốt?

Theo các chuyên gia, sức đề kháng có thể nói khái quát là sức khỏe chung tốt, chống lại các tác nhân có hại với cơ thể. Để có sức khỏe tốt là cả một sức mạnh tổng hợp của cơ thể, chứ không phải của riêng 1 yếu tố nào cả. Chẳng hạn, nếu một người gầy yếu, suy dinh dưỡng... thì có thể do nhiều nguyên nhân có thể gây nên, để nâng cao sức khỏe thì phải “chữa” đúng nguyên nhân, rồi có chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp...

Không thể phủ nhận, dinh dưỡng chính là yếu tố thiết yếu để có sức đề kháng tốt. Chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học, thông qua một số nhóm dưỡng chất, không chỉ giúp cơ thể bổ sung năng lượng, mà còn chính là chìa khóa giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, giúp chống lại bệnh tật và các tác nhân gây bệnh hiệu quả. Chế độ dinh dưỡng khoa học là chế độ ăn uống mà theo đó dựa trên nhu cầu của từng đối tượng và cân đối được 4 nhóm chất: nhóm chất bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin, chất xơ và khoáng chất.

Sức đề kháng – “Chiếc áo giáp” của sức khỏe - 2

Các nhóm chất dinh dưỡng và sức đề kháng

Theo thống kê từ Viện Y học ứng dụng, các nghiên cứu chứng minh rằng chất đạm, (hay protein) đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành khả năng miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được (hay còn gọi là miễn dịch thụ động) của cơ thể.

Chất bột đường, còn được biết đến là gluxit, chính là nguồn cung cấp năng lượng thiết yếu cho các hoạt động sống của cơ thể. Dưỡng chất này giúp cung cấp năng lượng liên tục cho các mô, là "nhiên liệu" quan trọng của hệ thống miễn dịch. 

Nhóm Vitamin và khoáng chất là các chất không sinh năng lượng nhưng lại có tác động hiệu quả đối với hệ miễn dịch của cơ thể. Không chỉ chuyển hóa các chất, nhóm dưỡng chất này còn giúp cơ thể phát triển, đảm bảo các chức năng thần kinh và tiêu hóa, duy trì chức năng tế bào bình thường, góp phần không nhỏ đối với hệ miễn dịch của cơ thể.

Chất béo là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu của cơ thể, là môi trường hấp thu các vitamin tan trong dầu (A, D, E, K). Chất béo cung cấp các acid béo thiết yếu, là chất điều biến mạnh mẽ của phản ứng miễn dịch, nổi bật là: omega 3, omega 6 chống viêm thần kinh; Linoleic acid cũng làm giảm mẫn cảm dị ứng. Tuy nhiên, cần chú ý khi dung nạp chất béo, hạn chế các chất béo bão hòa khó hấp thu, thay vào đó nên lựa chọn chất béo chưa bão hòa.

Mỗi người có một thể trạng khác nhau. Do đó, để có sức đề kháng tốt, trước hết chúng ta cần tính toán nhu cầu cơ bản phù hợp với cơ thể cũng như hoạt động hàng ngày để có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nhu cầu cơ bản được tính dựa vào cân nặng và chiều cao.

Sức đề kháng – “Chiếc áo giáp” của sức khỏe - 3