Vào một đêm khuya tháng 10 năm Gia Tĩnh thứ 21 (1542), trong Hoàng cung Bắc Kinh xảy ra một vụ việc hiếm thấy khi các cung nữ dưới sự dẫn dắt của cung nữ Dương Kim Anh cùng hợp sức sát hại Hoàng đế Minh Thế Tông. Tuy nhiên, kế hoạch giết vua của họ đã thất bại, các cung nữ sau đó đều bị hành quyết.
Nhưng tại sao những cung nữ này lại căm ghét Hoàng đế tới mức liều lĩnh mạo hiểm tính mạng để giết vua. Toàn bộ câu chuyện bắt đầu từ việc vua Minh Thế Tông săn tìm "thần dược phòng the".
Vị vua hoang dâm săn tìm thần dược phòng the
Vua Minh Thế Tông là vị hoàng đế thứ 11 của nhà Minh, trị vì 45 năm. Trong thời gian trị vì của mình, vị Hoàng đế này đã bỏ bê chính sự, phung phí xa hoa, bị ám ảnh bởi việc tu luyện trường sinh bất tử và tìm kiếm thuốc kích dục.
Khi mới lên ngôi, Minh Thế Tông đã sớm thể hiện lòng ham muốn tình dục của mình. Mặc dù được các vị đại thần trong triều can gián nhưng vua nhất quyết không nghe theo, vẫn sống phóng túng.
Vua Minh Thế Tông phóng túng, đam mê dục vọng. (Ảnh: Internet)
Để thỏa mãn dục vọng và tăng cường sinh lực cho những buổi hoan lạc, Minh Thế Tông đã tìm tới những loại thuốc kích dục. Thuốc kích dục ở Trung Quốc cổ đại có lịch sử lâu đời, các triều đại đều có một số loại được các vị vua tin dùng như rượu cá ngựa, thịt chim sẻ, nhung hươu,... nhưng loại thuốc mà vua Thế Thông quan tâm nhất là loại thuốc kích thích tình dục có tên là "Hồng diên hoàn".
Phương thuốc này do một tên quan coi kho là Đào Trọng Văn hiến cho vua (tương truyền đây là kẻ từng học phép thuật phù thủy). Đó là loại thuốc do một nhà giả kim 80 tuổi ở Nam Dương chế ra. Khi dâng loại thuốc bí truyền này, Đào Trọng Văn "quảng cáo" rằng uống vào sẽ trẻ lại, máu huyết lưu thông, sức khỏe cường tráng và đặc biệt chuyện ấy sẽ rất dẻo dai, một đêm có thể sủng hạnh 10 phi tần lại giúp trường sinh bất lão.
Sau khi dùng loại thuốc Hồng diên hoàn này, vua Minh Thế Tông quả thực thấy khỏe khoắn hơn, chuyện phòng the cũng sung mãn nên vô cùng trọng dụng họ Đào, hắn liên tục được ban thưởng và thăng quan tiến chức, được giữ lại trong cung để chế xuân dược.
Hồng diên hoàn thực sự là gì?
Hồng diên hoàn thực chất là một phương thuốc được làm từ máu kinh (hồng diên) của các cô gái trẻ. Trong tài liệu xưa có ghi chép rằng: "Dùng một người phụ nữ không có bệnh tật, lấy máu kinh ở lần kinh nguyệt đầu tiên là quý giá nhất, lần thứ 2,3 là bình thường và lần thứ 4,5 thì hiệu quả rất thấp".
Hồng diên được đựng trong những vật dụng bằng kim loại rồi cho thêm sương đêm, ô mai vào, sau đó đem sắc bảy lần. Sau khi đã sắc bảy lần những loại nguyên liệu đó lại cho thêm trầm hương, chu sa, nhựa thông,… rồi luyện bằng lửa, cuối cùng mới cô đặc lại chế thành thuốc viên để dùng.
Hồng diên hoàn được chế từ máu kinh của các cô gái trẻ. (Ảnh minh họa)
Để chế tạo loại "xuân dược" quái đản này, Minh Thế Tông đã ra lệnh cho Bộ Lễ cử người tuyển chọn hơn một nghìn thiếu nữ trong độ tuổi 11-16 ở Bắc Kinh, Nam Kinh, Sơn Đông, Hà Nam và những nơi khác để vào cung. Một mặt, những cung nữ này cung cấp nguyên liệu để luyện chế Hồng diên hoàn, mặt khác, họ cũng là công cụ để vua thỏa mãn dục vọng.
Bất cứ khi nào tác dụng của thuốc xảy ra, Hoàng đế Thế Tông sẽ kéo bất cứ cô gái nào ở gần vào để ân ái và thường thì một cung nữ không thể thỏa mãn dục vọng của ông ta. Thậm chí, vua còn cho các cung nữ dùng chính loại thuốc này khiến họ bị hủy hoại cả về thể xác lẫn tinh thần, nhiều người thậm chí mất mạng.
Chính sự tàn ác và hoang dâm của vua đã khiến các cung nữ phẫn uất và nổi dậy chống lại nhưng cuối cùng họ đã thất bại và chịu án tử. Thoát được đại nạn lần đó nhưng sau 9 năm kể từ ngày sử dụng loại "xuân dược" này, Minh Thế Tông đã chết vì ngộ độc, hưởng thọ 59 tuổi.
Vua Thế Tông đã săn lùng cả nghìn thiếu nữ trẻ để lấy nguyên liệu chế "xuân dược". (Ảnh minh họa)
Thực tế hồng diên hoàn có tác dụng không?
Mặc dù loại "xuân dược" này được một vài kẻ nhận là nhà giả kim quảng cáo rằng có thể chữa bách bệnh, là thuốc thần cho sức khỏe nhưng thực tế không có bất cứ thứ gì trong kinh nguyệt của phụ nữ có tác dụng chữa bệnh.
Danh y Lý Thời Trân là một trong những người kịch liệt phản đối phương thuốc quái gở này. Ông đã ghi trong sách "Bản thảo cương mục" rằng: "Kinh nguyệt là thứ không sạch sẽ, bọn phương sĩ dùng tà thuật để tô vẽ, coi đó là loại thần dược bí truyền. Nhiều kẻ ngu muội đã tin theo những điều vô căn cứ đó nên mới đưa thứ uế trọc này vào người, làm cho âm dương khí huyết bị thương tổn, sinh ra đủ thứ bệnh tật… đâu có biết rằng, đó là thứ người quân tử cần phải tránh xa".
Các nghiên cứu về sau cũng đã khẳng định, trong hồng diên cũng như kinh nguyệt của phụ nữ không chứa các chất có tác dụng hồi xuân cũng như những chất đặc biệt có tác dụng để chữa bệnh. Vì vậy, trong các sách thuốc của Đông y hiện đại không còn thấy đề cập đến hồng diên nữa.
Tuy nhiên, điều đáng suy ngẫm là tại sao một loại chất thải ra của cơ thể con người lại được người xưa xem như thần dược. Đằng sau điều này là sự phát triển bất thường của kinh tế - xã hội vào cuối thời nhà Minh, sự thối nát của giai cấp thống trị, sự xa hoa và dâm đãng...
Từ xa xưa, trong xã hội Trung Hoa đã có một số kẻ điên cuồng đi tìm những loại thuốc bổ chữa bách bệnh. Trong đó, máu kinh, chất thải của trẻ em (phân, nước tiểu), sữa mẹ, nhau thai,... thực sự đã được ghi như một loại thuốc trong sách y học cổ đại và gọi đó là nhân dược.
Tuy nhiên việc sử dụng những loại thuốc này ban đầu chỉ để dùng chữa một số bệnh, không phải dùng làm thuốc bổ hay thuốc kích dục như triều nhà Minh. Trong quan niệm của người xưa, kinh nguyệt của phụ nữ được coi là một thứ “dơ bẩn” và có thể trừ tà ma nên họ mới cho rằng những bệnh do ngoại tà gây ra có thể dùng kinh nguyệt để giải độc và chữa bệnh.
Tuy nhiên, vào cuối thời nhà Minh, để theo đuổi tuổi thọ và thỏa mãn dục vọng, tầng lớp thống trị, với sự trợ giúp của y học và Đạo giáo, đã đi đến con đường cực kỳ tà ác là lạm dụng nhân dược. Cuối cùng dẫn đến một xã hội loạn lạc chỉ vì một thứ gọi là hồng diên hoàn.