Nhồi máu cơ tim trước đây được biết đến là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện bệnh đang trẻ hóa với số lượng người trẻ mắc nhồi máu cơ tim ngày càng tăng cao.
Trường hợp gần đây nhất là nam bệnh nhân 30 tuổi, làm IT (công nghệ thông tin). Do đặc thù công việc, thanh niên này thường xuyên thức khuya, ngồi một chỗ nên có tình trạng béo phì, thừa cân. Bệnh nhân đã đến viện khám do bị tức ngực.
Ảnh minh họa
Sau các xét nghiệm, bệnh nhân được xác định nhồi máu cơ tim cấp. Các hình ảnh chụp chiếu còn cho thấy anh có dấu hiệu hẹp động mạch từ lâu. Điều này chứng tỏ bệnh nhân đã có tổn thương động mạch vành từ trước đấy.
Ngay sau đó, bác sĩ đã tái thông động mạch, đặt stent lớn vào động mạch liên thất trước của bệnh nhân. Sau khi can thiệp, dòng chảy mạch máu tốt, các triệu chứng cải thiện dần, sức khỏe của bệnh nhân ổn định và được ra viện sau 3 ngày.
Bác sĩ cho biết, ở người già, các cơn đau ngực thường xuất hiện nhiều lần, cộng với sự lo lắng về sức khỏe nên họ đi khám thì bác sĩ sẽ phát hiện tốt hơn. Trong khi đó, người trẻ ít quan tâm đến tình trạng đau ngực của mình nên thường chủ quan bỏ qua. Chính tâm lý chủ quan của người trẻ khiến họ không nghĩ rằng các cơn đau ngực có liên quan đến bệnh tim mạch nguy hiểm.
Nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim cấp (đột quỵ tim) là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành (mạch máu nuôi cơ tim) bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch. (1)
Nếu lưu lượng máu không được phục hồi nhanh chóng, cơn nhồi máu cơ tim cấp có thể gây tổn thương cơ tim vĩnh viễn và tử vong. Tại Mỹ, có khoảng 635.000 người bị nhồi máu cơ tim và khoảng 300.000 người bị nhồi máu cơ tim lần thứ hai mỗi năm. Cứ 7 trường hợp tử vong thì có một trường hợp do bệnh tim mạch, trong đó có nhồi máu cơ tim.
Người trẻ bị nhồi máu cơ tim có dấu hiệu gì?
Ảnh minh họa
Triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim chủ yếu là cơn đau thắt ngực ở vị trí sau xương ức lan lên trên dưới hàm, tay trái. Thi thoảng người bệnh bắt gặp cơn đau thượng vị như cơ đau của bệnh lý tiêu hóa. Các cơn đau thường kéo dài hơn 30 phút, khi nghỉ ngơi cơn đau cũng không giảm. Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng khác như khó thở, thở dốc, vã mồ hôi, hồi hộp, bị đánh trống ngực, nôn, buồn nôn, thậm chí là lú lẫn, hay quên...
Người trẻ tuổi hoàn toàn không nên chủ quan với các dấu hiệu trên. Cần nắm bắt các triệu chứng của cơ thể để đánh giá, chẩn đoán bệnh và đi khám sớm nhất có thể, tránh cơn nhồi máu cơ tim đột ngột gây nguy hiểm đến tính mạng.
Người trẻ cần làm gì để phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim?
Ở độ tuổi trẻ, muốn phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim, điều người trẻ cần làm đầu tiên là thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt một cách khoa học. Cụ thể cần lưu ý chi tiết như sau:
- Duy trì cân nặng ở mức tương đối, phù hợp. Chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, khoa học.
- Tập luyện thể dục, vận động thường xuyên. Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, áp lực
- Không hút thuốc, hạn chế rượu bia, chất kích thích, chất béo
- Khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/ năm để đảm bảo sức khỏe, tầm soát bệnh nói chung
Đối với người trẻ có nguy cơ tăng huyết áp, nhiều cholesterol, đái tháo đường, gia đình có người bị nhồi máu cơ tim cần khám sức khỏe thường xuyên hơn.